Chính thức khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc trọng thể tại Hà Nội vào 9h00 ngày 21/10/2024. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự và phát biểu tại Phiên khai mạc.

Trước khi diễn ra phiên họp trù bị, các đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội cho biết, đến tham dự Phiên khai mạc Kỳ họp, về phía các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khách mời có: đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí Thư; đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, các đồng chí nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, lãnh đạo các địa phương; các đại sứ, đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Tổng bí thư
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Quochoi.vn)

Về phía Quốc hội có: đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các vị Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn và các vị đại biểu Quốc hội thuộc 63 Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kỳ họp thứ 8 chào cờ
Quốc hội làm Lễ Chào cờ. (Ảnh: Quochoi.vn)
Quốc hội
Quốc hội tiến hành mặc niệm chiến sĩ hy sinh, đồng bào tử nạn do thiên tai trong thời gian qua. (Ảnh: Quochoi.vn)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp

Theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp sáng nay. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình Quốc gia và Truyền hình Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tiếp nối thành công của Hội nghị lần thứ X Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, căn cứ quy định của Hiến pháp, pháp luật và tình hình thực tiễn, sau quá trình chuẩn bị tích cực, khẩn trương, kỹ lưỡng và trách nhiệm, hôm nay, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8 để xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng trong công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đối ngoại, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Kỳ họp

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý, đại diện các Đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế đã đến dự phiên khai mạc Kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra sau khi Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thành công rất tốt đẹp. Kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo đời sống của Nhân dân.

khai mạc
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Quochoi.vn)

Tại phiên họp trù bị, các vị đại biểu Quốc hội đã thống nhất rất cao, biểu quyết thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp. Quốc hội sẽ làm việc trong 29,5 ngày, từ ngày 21/10 đến ngày 30/11/2024; chia làm 02 đợt: đợt 1 từ ngày 21/10 đến ngày 13/11; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11. Tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có bài phát biểu quan trọng.

Theo chương trình của Kỳ họp, về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là nội dung trọng tâm, chiếm phần lớn thời gian của Kỳ họp, có 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết được thảo luận, trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 18 dự án luật, 03 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.

"Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn; các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp và cử tri, Nhân dân rất quan tâm”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trí tuệ, chuyên nghiệp, khoa học, tập trung góp ý toàn diện cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp của các dự án luật, Luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định… đảm bảo khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thi hành luật đạt hiệu quả cao nhất.

Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn, những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả; lưu ý những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, nhất là khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai, lũ lụt gây ra ở 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và một số tỉnh miền Trung.

Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận, góp ý về sự phù hợp, tính khả thi, hiệu quả của các chính sách; tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật nhằm phát huy được nguồn lực, tận dụng được cơ hội phát triển, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 

Về giám sát tối cao, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; xem xét báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023”; thảo luận, xem xét các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước; đồng thời thảo luận, cho ý kiến lần đầu vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. 

Quốc hội sẽ xem xét tiến hành bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một số nội dung công tác nhân sự khác thuộc thẩm quyền theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Nhấn mạnh khối lượng công việc của Kỳ họp thứ 8 là rất lớn, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy dân chủ, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi trên tinh thần xây dựng, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu

Phát biểu tại Phiên khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV là kỳ họp có khối lượng công việc lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay và cũng là kỳ họp đầu tiên có trách nhiệm về thể chế hóa nghị quyết của Trung ương lần thứ mười khóa XIII, khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước. 

Tổng bí thư
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại phiên khai mạc. (Ảnh: Quochoi.vn)

Để tạo tiền đề chuẩn bị ngay về mọi mặt để bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ Nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý, đại diện Đoàn Ngoại giao, các tổ chức quốc tế dự phiên Khai mạc Kỳ họp và toàn thể cử tri, Nhân dân, đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài lời chào, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công, chúc Kỳ họp thành công tốt đẹp. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, vừa qua Hội nghị lần thứ 10, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thành công rất tốt đẹp. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc đến cấp cơ sở quán triệt, triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10. Với tinh thần đổi mới, đoàn kết, thống nhất rất cao, Hội nghị Trung ương 10 đã thảo luận, quyết định nhiều nội dung quan trọng, thống nhất nhận thức, hành động để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng tốc, bứt phá, hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XIII, chuẩn bị các công việc cho Đại hội XIV của Đảng. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao, thời gian qua hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới thực chất và hiệu quả hơn. Quốc hội ngày càng phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, với ba chức năng quan trọng.

Về lập pháp, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã thông qua 43 luật, hơn 60 Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành 45 Nghị quyết và 03 pháp lệnh. Ngay trong Kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội dự kiến tiếp tục thông qua 15 dự án luật, 03 Nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến vào 13 dự thảo luật, trong đó có 01 luật sửa 03 luật trong lĩnh vực đầu tư; 01 luật sửa 07 luật trong lĩnh vực tài chính, quản lý tài sản. Có những dự án luật rất mới phù hợp với xu thế phát triển như Luật Dữ liệu, Luật Công nghiệp công nghệ số… thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của Quốc hội. Chính phủ cũng khẩn trương quán triệt triển khai thực hiện ngay chủ trương của Hội nghị Trung ương 10. Các văn bản này sẽ góp phần quan trọng trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục điểm nghẽn, điều chỉnh các mặt của đời sống kinh tế - xã hội đảm bảo quyền con người và phục vụ phát triển đất nước.

Hoạt động giám sát của Quốc hội cũng không ngừng được cải tiến, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật, bảo đảm kỷ luật kỷ cương, thúc đẩy các cơ quan nhà nước thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ. Quốc hội cũng đã đồng hành cùng Chính phủ quyết định ban hành kịp thời nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, có ý nghĩa lớn với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đối ngoại của Quốc hội cũng được mở rộng với nhiều hoạt động nổi bật, Quốc hội được bầu  ở nhiều vị trí quan trọng ở các diễn đàn lớn, uy tín trên thế giới…

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng nêu rõ, trong tổ chức hoạt động của Quốc hội vẫn còn có những tồn tại hạn chế cần sớm được khắc phục. Trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược gay gắt, xung đột leo thang ở nhiều khu vực. Giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, thiếu vững chắc, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng diễn biến phức tạp.

thủ tướng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. (Ảnh: Quochoi.vn)

Thủ tướng Chính phủ cho biết, ở trong nước, chúng ta vừa phản ứng linh hoạt, hiệu quả trước những biến động bên ngoài; vừa phải khắc phục những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm và phải dành nhiều thời gian, nguồn lực giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh, nhất là ứng phó, khắc phục thiên tai gây hậu quả nặng nề và còn kéo dài tại nhiều địa phương.

Triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; với phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”, “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, chỉ bàn làm, không bàn lùi”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, ưu tiên tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…), gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Rà soát, đánh giá tình hình và dự kiến kết quả phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025, từ đó có giải pháp đột phá theo tinh thần “chỉ tiêu nào chưa đạt thì phải quyết tâm hoàn thành; chỉ tiêu nào đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả”. 

Chính phủ cũng đã tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là về thể chế ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền ; cắt giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. Lập các Ban chỉ đạo, tổ công tác để kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn”, khó khăn, vướng mắc phát sinh. Phát động nhiều phong trào thi đua, trong đó có phong trào “500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”  và “cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025”. 

Tạo động lực, truyền cảm hứng phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Quan tâm, triển khai tốt các chính sách phát triển văn hóa, xã hội. Chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở, sụt lún, khô hạn, ngập úng trên phạm vi cả nước, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cho phát triển. 

Nhìn chung, tình hình KTXH tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%). Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt...

Tạp chí Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật nội dung Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

 

Hoàng Phương