Chưa xác định giá thành nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam

Vừa qua, trong buổi họp báo về Triển lãm quốc tế điện hạt nhân 2012, đại diện các cơ quan quản lý Việt Nam cho biết, sau sự cố Nhà máy ĐHN Fukushima của Nhật Bản cách đây 18 tháng, Việt Nam vẫn thực h

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Việt Nam có thay đổi chủ trương phát triển ĐHN sau sự cố Fukushima hay không, ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ hạt nhân cho biết, ngay sau sự cố trên, tình hình ĐHN trên thế giới có nhiều biến động. Nhưng trong cuộc họp gần nhất vào tháng 9 vừa qua, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, 18 tháng qua, phát triển ĐHN trên thế giới vẫn theo xu hướng tăng trưởng. Các cường quốc ĐHN như Trung Quốc, Nga vẫn tiếp tục xây dựng nhà máy mới. Ả Rập cũng đang xây dựng tổ máy đầu tiên… Trên thực tế, vẫn chưa có nguồn năng lượng nào thay thế được ĐHN. Sau sự cố Fukushima, IAEA đã xem xét lại một số tiêu chí về an toàn và Việt Nam cũng phải cập nhật những tiêu chí mới này. 

Tiếp nối câu trả lời của ông Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam Trần Chí Thành cho biết, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng văn bản pháp quy về ĐHN và sẽ cập nhật những quy chế được thắt chặt của IAEA. 

Theo ông Thành, Viện Năng lượng Nguyên tử VN có trách nhiệm nghiên cứu và triển khai những công nghệ mới về hạt nhân. Hiện nay, đã có thiết kế mới nhất bổ sung những yếu tố giúp nhà máy ĐHN chống chịu được những thảm họa tương tự như Fukushima. Nhưng trước câu hỏi của phóng viên về giá thành của nhà máy ĐHN khi bổ sung công nghệ mới này đã được Việt Nam tính toán hay chưa thì ông Thành cho biết chưa xác định giá thành của nhà máy ĐHN sẽ xây dựng ở Việt Nam. 

Ông Phan Minh Tuấn, Phó trưởng Ban Quản lý Dự án ĐHN Ninh Thuận cho biết, sau sự cố Fukushima, Việt Nam vẫn đang có những bước tiến mới trong tiến trình xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên. Chúng ta chưa có gì thay đổi mà vẫn theo lộ trình đã đưa ra. Một mặt, chúng ta vẫn đang tìm kiếm những nguồn năng lượng mới, nhưng mặt khác vẫn kiên định với việc phát triển năng lượng hạt nhân. 

Nhân lực đang là thách thức 

Về đào tạo nguồn nhân lực cho năng lượng hạt nhân, đại diện các bên cho biết, có ba nguồn nhân lực cần phát triển cho ĐHN, đó là: nhân lực vận hành, bảo dưỡng nhà máy ĐHN, nhân lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và nhân lực nghiên cứu triển khai năng lượng nguyên tử. 

Ông Trần Chí Thành thừa nhận, hiện nay, đội ngũ cán bộ của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đều đã cao tuổi, còn thế hệ trẻ thì chưa bắt kịp, và việc đào tạo thế hệ trẻ là nhiệm vụ cần thiết trong thời gian tới. 

Ông Phan Minh Tuấn cũng cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực cho ĐHN đang là thách thức. Nhiều trường đại học trong nước đã chuẩn bị cơ sở vật chất để bắt đầu đào tạo chuyên ngành này. Nhưng quan trọng nhất giờ đây là phải tuyển được đầu vào có chất lượng cao. Học sinh thường lựa chọn những ngành có triển vọng để thi nhằm tìm kiếm cơ hội thăng tiến trong tương lai. ĐHN đang là một viễn cảnh xán lạn, ông Tuấn hy vọng nhiều học sinh khá giỏi sẽ theo học ngành này để tạo ra một nguồn nhân lực tốt. 

Ngày 25-11-2009, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án ĐHN Ninh Thuận. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Định hướng phát triển ĐHN đến năm 2030. Trong những năm qua. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai chuẩn bị, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ luật pháp, phát triển nguồn nhân lực, khảo sát đánh giá địa điểm, tiến hành công tác thông tin, tuyên truyền, lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy ĐHN. 

Việt Nam đang hợp tác với Liên bang Nga và Nhật Bản tiến hành nghiên cứu lập Dự án đầu tư cho các Dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 và sẽ hoàn thành trong năm 2013 để trình các cấp có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt. 

Quan điểm của Việt Nam là: Dự án ĐHN Ninh Thuận là dự án ĐHN đầu tiên của Việt Nam nên cần thực hiện hết sức chặt chẽ. Việc chuẩn bị đầu tư và đầu tư phát triển các dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 phải bảo đảm được ba yêu cầu cơ bản là: Bảo đảm an toàn, an ninh cao nhất. Thực hiện đúng quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về đầu tư xây dựng và phù hợp với tài liệu hướng dẫn của IAEA. Yêu cầu thứ ba là dự án phải có hiệu quả kinh tế.