Trong thời bao cấp, theo sách “Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010”, ngay từ đầu năm 1961, thi hành Nghị quyết của Trung ương, toàn ngành Công nghiệp đã mở cuộc vận động thi đua “Hợp lý hóa sản xuất và cải tiến kỹ thuật”, đồng thời kết hợp triển khai cuộc vận động cải tiến quản lý “Ba xây, ba chống” (với nội dung “nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”).
Trong ngành công nghiệp nặng, từ cuối năm 1960, đã áp dụng hạch toán tới phân xưởng và tổ sản xuất (Cơ khí Hà Nội, Xi măng Hải Phòng, Phốt phát Hải Phòng, Nông cụ Hà Đông, Cơ khí Trần Hưng Đạo, Gạch Cầu Đuống, Than Hồng Gai...). Các xí nghiệp, công trường thành lập Hội đồng định mức để thực hiện trả lương theo sản phẩm, góp phần củng cố chế độ hạch toán kinh tế.
Việc áp dụng hạch toán tới phân xưởng phát triển rộng khắp và mang hình thức mới: để quần chúng tham gia xây dựng định mức, tự phấn đấu hoàn thành và vượt định mức, tham gia công tác quản lý và dân chủ hóa quản lý xí nghiệp.
Để giải quyết những khó khăn trong tiêu thụ và cung ứng nguyên liệu, thúc đẩy sản xuất của các cơ sở hợp tác xã thủ công nghiệp và công tư hợp doanh địa phương, Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 05/7/1961 của Bộ Chính trị đã chủ trương thay chế độ gia công bằng hợp đồng kinh tế.
Các xí nghiệp công tư hợp doanh nhận vật tư, nguyên liệu thông qua kế hoạch nhà nước, các chế độ tiền lương và phúc lợi cũng giống như xí nghiệp quốc doanh. Các hợp tác xã sẽ không còn phụ thuộc bị động vào nhà cung ứng và tiêu thụ duy nhất là mậu dịch quốc doanh, mà được chủ động ký kết hợp đồng mua nguyên vật liệu và bán sản phẩm của mình với các cơ quan, đơn vị kinh tế khác.
Các hợp tác xã cũng được phép mở đại lý tiêu thụ sản phẩm, tổ chức trưng bày triển lãm, để có thể tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng. Khuyến khích cơ sở sản xuất tự định giá gia công và thu mua hợp lý, theo nguyên tắc đảm bảo chi phí sản xuất, cải thiện đời sống, tăng cường trang thiết bị cho cơ sở và đảm bảo tích lũy cho Nhà nước. Giá thu mua hoặc gia công phải lấy giá thành làm cơ sở.
Nghị quyết 105-NQ/TW ngày 19/9/1964 của Bộ Chính trị đã mở rộng quyền hạn cho các địa phương về quản lý phát triển công nghiệp địa phương. Trung ương sẽ chỉ giao kế hoạch sản xuất, cung cấp vật tư, tiêu thụ sản phẩm đối với một số mặt hàng quan trọng.
Việc quản lý vốn, tài sản và sản xuất công nghiệp địa phương do Ủy ban hành chính địa phương hay các Sở, Ty công nghiệp địa phương đảm nhiệm. Thành lập Vụ (hay Cục) Công nghiệp địa phương trực thuộc Văn phòng Phủ Thủ tướng; thành lập Liên hiệp Hợp tác xã thủ công nghiệp (gọi tắt là Liên hiệp xã trung ương) như một tổ chức xã hội - nghề nghiệp của thợ thủ công, để vận động thi đua sản xuất, cải tiến kỹ thuật. Các địa phương cũng thành lập Sở Quản lý công nghiệp quốc doanh địa phương và Sở Quản lý hợp tác xã thủ công nghiệp từ các Ty Công nghiệp cũ.
Với việc thi đua, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, công nghiệp quốc doanh, đặc biệt là công nghiệp trung ương đã cung cấp cho nền kinh tế một khối lượng lớn những sản phẩm tư liệu sản xuất và hàng hóa tiêu dùng quan trọng: điện, than, gang, máy cắt gọt kim loại, động cơ điện, xà lan, bơm nước, phân bón hóa học, quặng apatít, xi măng, xe đạp, săm lốp xe đạp, nông cụ, vải, giấy, đồ thủy tinh, đồ sứ, đường mật, nước mắm...
Những sản phẩm mới của công nghiệp nặng trung ương thời kỳ này chủ yếu là chế tạo thiết bị cỡ lớn và máy móc chính xác, như máy tiện 1K62, máy mài M120, biến thế 1.800 kVA, động cơ 75 kW, bơm nước 4.000 - 8.000 m3/h, đầu máy xe lửa “Tự Lực”, bơm cao áp cho máy Dieden, xích máy kéo, 14 loại phụ tùng cho ô tô. Ngoài ra, cũng tích cực nghiên cứu chế thử và đưa vào sản xuất máy mài chính xác, máy doa ngang, máy búa, máy dập, máy khoan đá, xe gạt, tầu hút bùn...