
Công ty Cổ phần CNG Việt Nam (mã cổ phiếu CNG - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2024 với một số thông tin đáng chú ý về triển vọng kinh doanh thời gian tới.
Cụ thể, ban lãnh đạo CNG Việt Nam đề ra 2 phương án kinh doanh năm nay, tuỳ thuộc theo diễn biến giá dầu thô thế giới. Với kịch bản giá dầu thô ở mức 70 USD/thùng, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu ở mức 3.614,65 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 113,53 tỷ đồng. Tại kịch bản giá dầu thô đạt 75 USD/thùng, CNG Việt Nam đặt mục tiêu tổng doanh thu là 3.709,51 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ở mức 130,25 tỷ đồng.
Trong năm 2024, giá dầu thô Brent - vốn được dùng làm cơ sở để tính giá khí - đã đi ngang và đạt trung bình 80 USD/thùng trong bối cảnh các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn (OPEC+) cắt giảm sản lượng nhưng một số nền kinh tế lớn, đặc biệt là Trung Quốc, tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng. Ngoài ra, xu hướng chuyển dịch sang năng lượng tái tạo cũng gây áp lực lên giá dầu thô.
Năm nay, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu thô Brent sẽ giảm về mức 75-76 USD/thùng. Khảo sát của Bloomberg cũng cho thấy phần lớn các chuyên gia dự báo giá dầu thô sẽ đạt khoảng 73 USD/thùng. Đồng thời, dự báo thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ chuyển từ trạng thái cân bằng vào năm 2024 sang dư cung 1,2 triệu thùng/ngày vào năm 2025 và 0,9 triệu thùng/ngày vào năm 2026.
Đáng chú ý, giới phân tích cũng lưu ý rằng, mục tiêu chính của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump là nhằm giữ giá năng lượng ở mức thấp. Điều này có thể tác động kéo giảm giá dầu trong những năm sắp tới.

Đối với thị trường trong nước, ban lãnh đạo CNG Việt Nam nhận định thị trường tiêu thụ khí thiên nhiên trong nước sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Động lực đến từ sự phát triển mở rộng của các hộ tiêu thụ khí, đặc biệt là sản xuất điện và sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ đang tiếp tục có những chính sách ưu đãi, đưa vào vận hành thị trường tín chỉ carbon… để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, nhiên liệu thân thiện với môi trường để đáp ứng các cam kết mục tiêu Net-zero.
Ngoài ra, yêu cầu của các thị trường nhập khẩu cũng khiến doanh nghiệp trong nước phải chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch để “sản xuất xanh”.
Về chiến lược kinh doanh, ban lãnh đạo CNG Việt Nam xác định năm 2025 sẽ là năm của phát triển thị trường. Do đó, công ty sẽ tập trung phát triển khách hàng mới, thị trường mới để tối ưu sản lượng tiêu thụ; bán bổ sung LPG để tận dụng lợi thế kinh doanh tích hợp đa sản phẩm; xây dựng chính sách giá bán phù hợp từng giai đoạn…
Trong công tác sản xuất, CNG Việt Nam đặt mục tiêu nhanh chóng đưa trạm khách hàng đầu tiên đo đếm tự động vào vận hành đầu năm 2025 và tiếp tục triển khai cho các trạm khách hàng khác theo kế hoạch.
CNG Việt Nam cũng đang đẩy mạnh mảng phân phối LNG nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong năm ngoái, công ty đã hoàn thành lắp đặt trạm cấp LNG đầu tiên tại Long An và cung cấp khí cho khách hàng. Đối với các tỉnh thành phía Bắc, CNG Việt Nam thực hiện vận chuyển LNG bằng tàu hỏa và phân phối đến khách hàng bằng xe bồn.
Với hoạt động sản xuất đang dần phục hồi trở lại và có xu hướng tăng tốc trước sự dịch chuyển của dòng vốn FDI, đây sẽ là một động lực quan trọng của thị trường phân phối khí thiên nhiên tại Việt Nam, ban lãnh đạo CNG Việt Nam cho biết.