Cơ khí Mạo Khê làm "đặc sản"

Dù đã vài lần đổi tên, nhưng dân trong vùng vẫn quen gọi Công ty CP Cơ khí Mạo Khê là Nhà máy Xích Vòng. Bởi, đây là nơi sản xuất xích đầu tiên, với dây chuyền của Đức, hiện đại nhất Việt Nam. Nhiều n

Máy hàn tự động

Bây giờ, trong khi ngành cơ khí đang gặp khó khăn, nhiều đơn vị thiếu việc làm, thì Cơ khí Mạo Khê vẫn làm dồn dập 3 ca mới đáp ứng yêu cầu hàng "đặc sản" cho khách hàng. Cho hay rằng, muốn hiện đại ngành cơ khí, trước tiên phải chuyên sâu về công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm mới tạo được thương hiệu. Chúng tôi đã vào ca 2 cùng thợ Cơ khí Mạo Khê để xem họ làm hàng "đặc sản" này.

Chế tạo xích, không dễ

Ông Đỗ Văn Hinh, Chủ tịch Công đoàn, Chánh Văn phòng Công ty cho tôi biết, 7 tháng qua, riêng xích, Công ty đã sản xuất gần 70 nghìn mét, bằng sản lượng xích cả năm ngoái. Tôi nhẩm tính, lượng xích trên, nếu nối lại, chừng 70 cây số, tương đương với chiều dài từ Mạo Khê tới tận Hòn Gai! Ông Hinh cho biết thêm, sang năm, lượng xích có thể đạt tới 130-150 nghìn mét:

- Sản lượng trên, so với với thiết kế, có vượt không, anh? - Tôi hỏi.

- Hơn gấp đôi! Dây chuyền này đưa vào hoạt động từ năm 1982. Công suất thiết kế chỉ 3500 mét/tháng; năm nay, bình quân đạt trên 9000 mét/tháng. Nhưng để được kết quả như hiện nay là cả quá trình lâu dài đổi mới công nghệ, tích lũy kinh nghiệm. Trên cơ sở của dây chuyền cũ, Công ty đã đầu tư thêm nhiều thiết bị như máy hàn, lò tôi trung tần, máy thử kéo v.v.


Kỹ sư Phạm Thị Thu bên máy cắt uốn
Nói đoạn, ông Hinh đưa tôi xuống xưởng. Đang cuối ngày, nắng tháng Tám vẫn ngùn ngụt. Trong xưởng, những chùm hoa lửa từ máy hàn bập bùng, nom thật đẹp mắt. Người trực tiếp chỉ huy sản xuất ca 2 là một phụ nữ, mặc bảo hộ lao động, rất khó đoán tuổi. Ông Hinh giới thiệu, đó là kỹ sư Phạm Thị Thu, Phó Quản đốc Phân xưởng Xích vòng. Chị đã gắn bó với nghề sản xuất xích hơn 20 năm, có nhiều kinh nghiệm trong chuyên môn và quản lý. Người khác, cũng gắn bó với nghề này gần 30 năm, rất nhiều kinh nghiệm, là ông Phạm Thành Công, Tổ trưởng tổ Xích 1. Trong tiếng máy rào rào, chị Thu nói với tôi về những nỗ lực của thợ trẻ Phân xưởng, về tình đoàn kết thương yêu nhau như trong một nhà, về sự chăm lo ăn uống của Công ty với công nhân đi làm ca đêm v.v. Nói rồi chị đưa tôi đi thăm dây chuyền chế tạo xích vòng.

Thú thật, tôi đã nhiều lần vào xưởng này để phỏng vấn công nhân và chụp ảnh ghi lại không khí sản xuất, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được một kỹ sư giới thiệu tường tận về dây chuyền chế tạo xích. Thì ra, để chế tạo được xích vòng, chất lượng cao, không dễ. Ngay dây chuyền này, 10 năm sau, kể từ khi đi vào hoạt động, công nhân mới làm chủ được công nghệ.

Thoạt tiên là công đoạn cắt uốn. Từ sắt có đường kính từ 14 - 15 mm, qua máy cắt uốn uốn chừng vài phút đã thấy dưới bụng máy đùn ra những mắt xích hình bầu dục (tạm gọi như vậy). Nhìn qua thấy đơn giản nhưng hiện công đoạn này vẫn tiếp tục nghiên cứu cải tiến. Chị Thu cho biết, dù là máy nhưng cũng xảy ra tình trạng hụt phôi bởi nhiều lý do. Khi hụt phôi thì sản phẩm đó vẫn qua các công đoạn khác và đến công đoạn cuối cùng mới bị loại. Mặt khác, khi sản phẩm bị lỗi, nó có thể trèo lên sản phẩm khác, ảnh hưởng đến khuôn. Để khắc phục tình trạng này, các kỹ sư: Vũ Văn Hữu (Trưởng phòng Kỹ thuật); Đỗ Đăng Hoàn (Quản đốc); Phạm Thị Thu, đang thực hiện sáng kiến chế tạo bộ đếm, đặt cữ để so sánh sản phẩm. Sản phẩm nào không đạt yêu cầu, máy dừng, loại ngay từ khâu đầu. Tuy nhiên, sáng kiến này mới thử nghiệm, chuẩn bị áp dụng.


Công đoạn cuối cùng

Công đoạn hàn tự động, nơi phát ra những chùm hoa lửa và các công đoạn khác như tôi, thử lực kéo, tinh chỉnh v.v. cũng qua nhiều bước cải tiến, đầu tư mới, mới hoàn chỉnh công nghệ. Từ năm 2007 - 2011, Công ty có 112 sáng kiến cải tiến kỹ thuật; 143 sáng kiến hợp lý hoá sản xuất. Trong đó, nhiều sáng kiến được áp dụng trong dây chuyền chế tạo xích vòng.

Các sản phẩm dù không độc tôn…

Từ lâu, cũng như các đơn vị cơ khí trong ngành Than - Khoáng sản, Công ty Cơ khí Mạo Khê cũng đa dạng hóa các sản phẩm. Trong các sản phẩm đó, đáng chú ý là các loại thiết bị vận tải hầm lò, đường sắt (máng cào, băng tải, tàu điện, xe gòong các loại, toa xe đường sắt v.v.) và các loại sàng rung cấp cho các nhà máy tuyển than. Dù không thuộc vị trí độc tôn nhưng các sản phẩm này cũng chiếm lĩnh thị trường khá lớn trong và ngoài ngành; trong đó các loại sàng được 2 Công ty là Tuyển than Cửa Ông và Hòn Gai tín nhiệm, đặt hàng thường xuyên.

Sản phẩm của Công ty đã được nhiều giải thưởng cao. Điển hình là: Giải Ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật Quảng Ninh lần thứ 2 (năm 2009); giải Ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật Toàn quốc lần thứ 10 (năm 2009) về giải pháp thiết kế chế tạo xe goòng mở hông 1,5m3; giải Nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật Quảng Ninh lần thứ 3 về giải pháp thiết kế chế tạo tàu điện ắc quy mỏ; sản phẩm máng cào MC-80-15 đạt Top 100 "Sản phẩm Vàng thời hội nhập" của Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Đặc biệt, năm 2011, Công ty Giải thưởng Cúp Vàng sở hữu trí tuệ Việt Nam, do Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) chứng nhận.