Trong quý 3/2023, Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (mã cổ phiếu BMP - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 926 tỷ đồng và 209 tỷ đồng, lần lượt giảm 31% và 29% so với mức cao kỷ lục của quý 2/2023.
Nguyên nhân chủ yếu do do nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng trên thị trường chung giảm từ 40% - 50% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, mùa mưa diễn ra trong quý 3/2023 tác động tiêu cực đến các hoạt động xây dựng, theo ban lãnh đạo Nhựa Bình Minh.
Tuy nhiên, điểm sáng là biên lợi nhuận gộp của Nhựa Bình Minh trong quý 3/2023 vẫn được cải thiện lên mức 43%, so với mức 42,8% của quý 2/2023 và 28,3% trong quý 3/2022 nhờ giá nhựa PVC đầu vào giảm.
Trong quý 3/2023, giá PVC bình quân ở châu Á đạt khoảng 860 USD/tấn, tăng 8% so với quý 2/2023 nhưng giảm 17% so với quý 3/2022. Trong tháng 12/2023, giá PVC giảm xuống còn 800 USD/tấn, giảm 5% so với tháng 12/2022 và đi ngang so với tháng 11/2023. Điều này kỳ vọng sẽ giúp biên lợi nhuận gộp của Nhựa Bình Minh tiếp tục được cải thiện.
Bên cạnh đó, Nhựa Bình Minh đã thực hiện chương trình khuyến mại vào nửa cuối quý 4/2023 với việc giảm giá bán khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2022 nhằm khuyến khích các đại lý phân phối tích luỹ thêm sản phẩm.
Theo đánh giá mới nhất của SSI Research, tính chung cả năm 2023, Nhựa Bình Minh có thể ghi nhận doanh thu 4.700 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2022, nhưng lãi ròng ước đạt 1.000 tỷ đồng, tăng tới 48% so với năm 2022. Đây sẽ là mức cao kỷ lục mới trong lịch sử 45 năm hoạt động của doanh nghiệp nhựa này.
Về triển vọng kinh doanh năm 2024, hiện nhiều tổ chức tài chính nhận định xu hướng giảm của giá PVC có thể đã chạm đáy trong quý 3 - quý 4/2023 và có thể duy trì ở khoảng 800 USD/tấn.
Đáng chú ý, cả doanh thu và tăng trưởng doanh thu của Nhựa Bình Minh đang có phần yếu hơn đối thủ cạnh tranh là Nhựa Tiền Phong (mã cổ phiếu NTP); trong đó, Nhựa Tiền Phong đang chiếm thị phần cao hơn về mặt sản lượng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu của Nhựa Bình Minh giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022, so với mức sụt giảm 7% của Nhựa Tiền Phong. Theo báo cáo thường niên giai đoạn 2020 - 2022, thị phần của Nhựa Tiền Phong đã tăng từ 30% lên 37%, trong khi thị phần Nhựa Bình Minh duy trì quanh mức 28%. Nhựa Bình Minh cũng đang có giá bán sản phẩm bình quân cao hơn Nhựa Tiền Phong.
Theo nhận định của SSI Research, Nhựa Bình Minh đang ưu tiên lợi nhuận hơn thị phần trong hiện tại nhằm dành nguồn lực sẵn sàng “bung ra” khi thị trường phục hồi trong thời gian tới.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 02/01, thị giá cổ phiếu BMP đạt 109.000 đồng/cổ phiếu - mức cao nhất trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu này.