Cổ phiếu chủ sở hữu ứng dụng Zalo "bốc hơi” gần 15% trước lùm xùm pháp lý

Trong ngày 9/9, cổ phiếu VNZ của Công ty Cổ phần VNG, chủ sở hữu ứng dụng Zalo, tiếp tục lao dốc phiên thứ 2 liên tiếp sau khi lực lượng chức năng khám xét trụ sở công ty này vào cuối tuần trước.

Cổ phiếu lao dốc 2 phiên liên tiếp

Zalo Công ty VNG
Công ty VNG hiện đang là chủ sở hữu của ứng dụng nhắn tin - mạng xã hội Zalo.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/9, thị giá cổ phiếu VNZ của Công ty Cổ phần VNG (Công ty VNG), chủ sở hữu ứng dụng Zalo, giảm gần kịch biên độ, mất 14,93% so với giá mở cửa, còn 395.500 đồng/cổ phiếu.

Đồng thời, khối lượng giao dịch cổ phiếu VNZ cũng tăng đột biến, lên đến 26.700 đơn vị, so với mức thông thường chỉ dưới 1.000 đơn vị. Đây cũng là phiên giao dịch thứ 2 liên tiếp cổ phiếu Công ty VNG lao dốc.

Các nhà đầu tư phản ứng tiêu cực sau khi lực lượng chức năng tiến hành khám xét trụ sở Công ty VNG tại Quận 7, TP.Hồ Chí Minh vào ngày 6/9. Đáng chú ý, rạng sáng ngày 7/9, Ban lãnh đạo Công ty VNG bất ngờ thông báo bổ nhiệm ông Kelly Wong - Phó Tổng giám đốc Khối trò chơi trực tuyến lên làm Quyền Tổng giám đốc.

Mặc dù khẳng định hoạt động kinh doanh vẫn đang diễn ra bình thường, thông báo của  Ban lãnh đạo Công ty VNG không đề cập đến vai trò của ông Lê Hồng Minh - nhà sáng lập, cũng như người đồng sáng lập ông Vương Quang Khải.

Giá cổ phiếu VNZ Công ty VNG
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu VNZ của Công ty VNZ từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Theo báo cáo tình hình quản trị bán niên 2024 của Công ty VNG, ông Lê Hồng Minh là thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc, còn ông Vương Quang Khải đảm nhiệm vai trò Phó Tổng giám đốc thường trực của Công ty VNG.

Ông Lê Hồng Minh cũng là một trong những cổ đông lớn nhất của Công ty VNG.

Sinh năm 1977, ông Lê Hồng Minh từng theo học chuyên ngành tài chính ngân hàng tại Đại học Monash (Australia). Năm 2001, ông quyết định trở về Việt Nam xây dựng sự nghiệp với công việc đầu tiên là nhân viên tín dụng tại Công ty Vina Capital.

Năm 2003, ông cùng một vài người bạn thành lập một quán game với một vài dịch vụ đi kèm. Năm 2004, ông và cộng sự thành lập nên Công ty Cổ phần Vinagame với mức vốn điều lệ 15 tỷ đồng và đến năm 2009 đổi tên Vinagame thành Công ty Cổ phần VNG như hiện tại.

Trải qua 20 năm hình thành, Công ty VNG đã phát triển từ một công ty khởi nghiệp tập trung vào phát hành trò chơi trực tuyến thành một công ty công nghệ đa lĩnh vực, bao gồm trò chơi trực tuyến, mạng xã hội, thanh toán điện tử, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo,... à được mệnh danh là kỳ lân công nghệ của Việt Nam khi sở hữu loạt ứng dụng nổi tiếng như ứng dụng nhắn tin - mạng xã hội Zalo, ví điện tử Zalo Pay,…

Ngoài Việt Nam, Công ty VNG hiện hoạt động tại Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore, Phillipines, Myanmar, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia. Theo giới thiệu của Công ty VNG, các sản phẩm và dịch vụ của công ty đang phục vụ hàng trăm triệu người dùng trên toàn thế giới.

Xem thêm: "Sau khi bị khám xét, sếp ngoại liền lên nắm quyền Công ty VNG (VNZ)" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Huỷ IPO tại Mỹ, chìm sâu trong thua lỗ

Công ty VNG trở thành tâm điểm chú ý trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào giữa tháng 8/2023 khi công bố Công ty VNG Limited (nắm 49% cổ phần trực tiếp trong Công ty VNG) đã nộp hồ sơ đăng ký lên Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC), dự kiến IPO cổ phiếu tại sàn NASDAQ.

Tuy nhiên, hồi đầu năm 2024, Công ty VNG bất ngờ xin rút hồ sơ IPO khỏi SEC.

Xét về kết quả kinh doanh, tính chung 6 tháng đầu năm nay, Công ty VNG ghi nhận hơn 4.300 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng gần 30% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ trò chơi trực tuyến chiếm tỷ trọng hơn 70%, mang về cho công ty hơn 3.100 tỷ đồng. Các mảng kinh doanh cốt lõi khác là dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và Internet (653 tỷ) và dịch vụ quảng cáo trực tuyến (463 tỷ đồng).

Tuy nhiên, mặc dù doanh thu tăng mạnh, Công ty VNG vẫn chịu lỗ ròng gần 600 tỷ đồng, chủ yếu do các khoản chi phí ở mức cao, như chi phí bán hàng hơn 1.000 tỷ, chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 630 tỷ đồng.

Năm nay, Công ty VNG đặt mục tiêu doanh thu 11.069 tỷ đồng, tăng 44% so với thực hiện 2023. Lợi nhuận sau thuế 150 tỷ và phần thuộc về cổ đông công ty mẹ 190 tỷ đồng. Sau nửa đầu năm, công ty thực hiện được 39% mục tiêu doanh thu.

Ông Lê Hồng Minh từng chia sẻ đội ngũ công ty đối mặt thách thức rất lớn trong nửa cuối năm nay để vừa cân bằng mục tiêu về tài chính với mục tiêu tăng trưởng doanh nghiệp.

Duy Quang