Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có quyết định về việc đưa vào diện bị cảnh báo đối với cổ phiếu của một ngân hàng trụ sở tại Hà Nội. Đồng thời, dù cổ phiếu vẫn được phép giao dịch bình thường, nhưng HNX cũng đưa cổ phiếu của ngân hàng này vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ (margin). Các quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 11/4/2024.
Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 trên Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán của ngân hàng này là số âm. Cụ thể, theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã kiểm toán của ngân hàng này thu nhập lãi thuần của ngân hàng này giảm 51% so với năm 2022, còn 457 tỷ đồng.
Đồng thời, lãi tuần từ hoạt động dịch vụ cũng giảm gần 75%, còn 33,5 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư giản nhẹ gần 4%, còn 160,5 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối lại tăng mạnh, gấp 2,4 lần, lên mức 202,5 tỷ đồng.
Trong năm 2023, tổng chi phí hoạt động của Ngân hàng Quốc dân tăng 20,5% so với năm 2022, đạt 1.239 tỷ đồng. Qua đó, ngân hàng ghi nhận mức lỗ hơn 656 tỷ đồng trong năm 2023.
Vào ngày 13/4 tới đây, Ngân hàng Quốc dân sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Ngân hàng này đặt mục tiêu tổng tài sản năm nay tăng trưởng 10% so với năm 2023, đạt 105.892 tỷ đồng; huy động khách hàng tăng 7,51%, đạt 86.050 tỷ đồng; và dư nợ cho vay tăng trưởng 16,27%, đạt 64.344 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngân hàng này “bỏ ngỏ” mục tiêu lợi nhuận năm nay và cho biết cam kết dùng toàn bộ nguồn thu để thực hiện phương án tái cơ cấu hoạt động.
Đáng chú ý, ngân hàng trên tiếp tục muốn triển khai phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ như đã được phê duyệt tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Theo đó, ngân hàng này dự kiến sẽ chào bán 620 triệu cổ phiếu với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu quá trình phát hành diễn ra thành công, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ tăng gấp hơn 2 lần, từ mức 5.602 tỷ đồng hiện nay lên 11.802 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền thu về sẽ được ngân hàng dùng để bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh (5.300 tỷ đồng); chi tiêu cho công nghệ và chuyển đổi số (500 tỷ đồng); xây dựng nhận diện thương hiệu (200 tỷ đồng); và cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất (200 tỷ đồng).
Dự kiến kế hoạch tăng vốn này sẽ được thực hiện ngay trong quý 2/2024 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.