Giá cổ phiếu NVL lên mức cao nhất 8 tháng
Trong phiên giao dịch hôm qua ngày 7/8, cổ phiếu NVL trên sàn HoSE của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Tập đoàn Novaland) đã tiếp tục duy trì đà tăng mạnh trong phiên chính thức rời rổ chỉ số VN30.
Sau 4 phiên tăng liên tiếp, thị giá cổ phiếu NVL đã đạt mức 20.200 đồng/cổ phiếu – vùng giá cao nhất trong vòng 8 tháng trở lại đây. Đáng chú ý, cổ phiếu NVL đã xác lập nhịp tăng mới kể từ nửa cuối tháng 7 với mức tăng hơn 37% tính đến hết phiên giao dịch ngày 7/8, cùng với đó là thanh khoản tăng cao đáng kể so với thông thường.
Như vậy, chỉ sau chưa đầy 3 tuần giao dịch, tổng giá trị vốn hoá thị trường của Tập đoàn Novaland đã tăng thêm hơn 10.700 tỷ đồng. Nếu so với mức đáy lịch sử hồi đầu tháng 3 năm nay, hiện cổ phiếu NVL đã tăng hơn 92% - mức tăng vượt trội so với mặt bằng chung toàn thị trường cũng như với hầu hết các cổ phiếu trong rổ chỉ số VN30.
Xét về kết quả kinh doanh, trong nửa đầu năm nay, Tập đoàn Novaland ghi nhận lỗ 611 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức lãi 1.818 tỷ đồng của nửa đầu năm 2022. Ban lãnh đạo Tập đoàn Novaland cho biết hoạt động kinh doanh suy giảm chủ yếu do tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, Tập đoàn Novaland hiện đưa ra kế hoạch kinh doanh 6 tháng cuối năm với lãi ròng trong quý 3 và quý 4/2023 lần lượt là 310 tỷ đồng và 515 tỷ đồng trong bối cảnh nhiều dự án mang tính sống còn với tập đoàn này đã được tái khởi động trong quý 2/2023.
Siêu dự án NovaWorld Phan Thiết đón nhận nhiều tin tích cực
Đáng chú ý, tại buổi họp báo định kỳ 6 tháng đầu năm diễn ra chiều 7/8, UBND tỉnh Bình Thuận thông tin thêm về một số nội dung liên quan đến tháo gỡ vướng mắc tại dự án NovaWorld Phan Thiết quy mô gần 1.000 ha với tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD của Tập đoàn Novaland.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, ngày 21/7, Tổ công tác của Thủ tướng do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì đã làm việc với đoàn công tác của tỉnh Bình Thuận để hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc và kiến nghị của tỉnh. Vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã báo cáo Tổ công tác của Thủ tướng giải quyết các vướng mắc liên quan đến dự án NovaWorld Phan Thiết.
Cụ thể, về chủ trương đầu tư, Tổ Công tác kết luận giữ nguyên chủ trương đầu tư theo quyết định số 934 đã được UBND tỉnh Bình Thuận cấp tháng 4/2019, tức là không thay đổi mục tiêu dự án NovaWorld Phan Thiết là đầu tư khu biệt thự, khu phố thương mại để bán và kinh doanh theo vòng đời dự án. Trong quá trình triển khai, nếu có nội dung điều chỉnh thuộc trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
Về việc chuyển hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần, Tổ Công tác xác định vấn đề này thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Bình Thuận theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành và đề nghị UBND tỉnh căn cứ Điều 172 Luật Đất đai năm 2013 để xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã có chủ trương cho phép Tập đoàn Novaland được chuyển sang trả tiền thuê đất một lần với phần diện tích xây dựng biệt thự và khu phố thương mại. Theo UBND tỉnh Bình Thuận, đây phương án tối ưu, phù hợp với quy định pháp luật, giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc phức tạp trong hoạt động kinh doanh tại dự án NovaWorld Phan Thiết, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng mua sản phẩm của dự án.
Về thời điểm xác định giá đất và phương pháp xác định giá đất , Tổ công tác đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn cụ thể theo đề xuất của UBND tỉnh Bình Thuận. Theo đó, các hồ sơ pháp lý đất đai của dự án NovaWorld Phan Thiết sẽ được xem xét điều chỉnh xử lý sau khi chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Trước đó, vào cuối tuần trước, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã có công văn cho phép Tập đoàn Novaland được đưa vào kinh doanh một phần dự án Aqua City. UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho phép tập đoàn này được lập và trình thẩm định điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 song song với việc thực hiện phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu C4; tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng, bán hàng đối với các hạng mục phù hợp với quy hoạch chi tiết được phê duyệt để thực hiện cam kết với khách hàng, có nguồn tiền để tiếp tục đầu tư dự án, từng bước tháo gỡ khó khăn.
Đây được xem là các tín hiệu tích cực cho Tập đoàn Novaland trong việc tiếp tục triển khai và đưa vào kinh doanh các dự án quan trọng, từ đó dần có nguồn lực để tiến hành cơ cấu nợ, tiến tới phục hồi và ghi nhận lãi trở lại trong thời gian tới.
Theo đánh giá của một số hãng chứng khoán, khi vấn đề về pháp lý đối với Tập đoàn Novaland được giải quyết thì nguồn tiền gửi của tập đoàn này tại các ngân hàng sẽ được “giải toả”, giúp giảm áp lực thanh khoản trong ngắn hạn. Tập đoàn Novaland sẽ có khả năng đàm phán giãn nợ sẽ thuận lợi hơn (hỗ trợ bởi Nghị định 08/2023/NĐ-CP). Đồng thời, tập đoàn này sẽ có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng cao hơn (hỗ trợ bởi Thông tư 02/2023/TT-NHNN) và đủ khả năng tiếp tục triển khai các dự án, bàn giao và thanh toán nợ.