Cổ phiếu PVS lập đỉnh lịch sử, chuẩn bị chia cổ tức bằng tiền
Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HNX) mới phê duyệt kế hoạch trả cổ tức năm 2022. Theo đó, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí dự kiến trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu PVS sẽ được nhận 700 đồng cổ tức.
Với gần 478 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí dự kiến sẽ cần chi khoảng 334,5 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông lần này.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 16/10, cổ phiếu PVS bật tăng 2%, đạt 40.700 đồng/cổ phiếu - thiết lập mức cao nhất kể từ khi được niêm yết trên thị trường vào năm 2007 đến nay. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu PVS đã tăng gần 89%.
Bên cạnh sự phục hồi chung của toàn thị trường chứng khoán Việt Nam, đà tăng của giá cổ phiếu PVS còn đến từ việc hoạt động kinh doanh của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đón nhận nhiều thông tin tích cực. Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí ghi nhận doanh thu thuần hơn 8.400 tỷ đồng và lãi ròng hơn 462 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí được đánh giá là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và trong khu vực về cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí, đặc biệt là mảng xây lắp cơ khí, công trình biển (M&C). Với việc giá dầu thô Brent neo cao trong thời gian qua đã khiến nhu cầu thăm dò và khai thác dầu khí (E&P) trên toàn cầu “bùng nổ”, tạo ra lượng việc làm khổng lồ cho các đơn vị cung ứng dịch vụ M&C như Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính uy tín, hàng loạt quốc gia khai thác dầu thô lớn, đặc biệt là tại khu vực Trung Đông, đang đẩy mạnh hoạt động E&P trong giai đoạn 2023 – 2023 để sau đó sẽ dần giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu khí.
Ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cũng cho biết đang gấp rút đấu thầu một số dự án rất lớn tại Qatar để nắm bắt thời cơ. Tuy nhiên, công ty chưa tiết lộ chi tiết cụ thể về thông tin cũng như giá trị các dự án này. Những dự án trên được kỳ vọng sẽ đảm bảo lượng công việc khổng lồ trong mảng M&C dầu khí quốc tế của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong giai đoạn 2025 - 2027. Hiện Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang thực hiện một số dự án quốc tế lớn gồm Galaff 3 (Qatar) và Shwe Jacket 3 (Myanmar).
Theo dõi giá xăng dầu hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Lãi ròng năm 2023 của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí có thể tăng gần 19%
Đối với thị trường nội địa, mảng M&C dầu khí nội địa của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ sôi động hơn từ năm 2024, chủ yếu đến từ chuỗi dự án khí Lô B - Ô Môn. Vừa qua, liên danh của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã trúng gói thầu Thiết kế, xây dựng, lắp đặt cụm giàn công nghệ trung tâm và giàn nhà ở (EPCI#1) với giá trị khoảng 1,08 tỷ USD thuộc chuỗi dự án Lô B - Ô Môn. Theo một số tổ chức tài chính, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí có thể triển khai gói thầu trên ngay trong nửa đầu năm sau.
Ngoài ra, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí còn hưởng lợi từ xu hướng phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi trên thế giới, cũng như tại Việt Nam. Vừa qua, liên danh giữa tập đoàn xây dựng năng lượng Semco Maritime (Đan Mạch) với Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) đã được lựa chọn là nhà cung cấp ưu tiên cho hạng mục trạm biến áp ngoài khơi của Dự án điện gió ngoài khơi Fengmiao tại Đài Loan (Trung Quốc) do Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (Đan Mạch, CIP) làm chủ đầu tư.
PTSC M&C là đơn vị thành viên của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí. Dự án trên hiện chưa công bố tổng mức đầu tư nhưng sẽ có công suất thiết kế từ 500 - 600 MW, dự kiến được khởi công trong năm 2025.
Hồi tháng 5/2023, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã ký hợp đồng chế tạo chân đế điện gió ngoài khơi với Tập đoàn Ørsted cho dự án điện gió Greater Changhua 2b&4 ngoài khơi Đài Loan (Trung Quốc) trị giá hơn 300 triệu USD.
Theo đánh giá mới đây của MBS Research, với mức giá dầu thô neo cao như hiện nay, mức lãi ròng năm 2023 của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí có thể tăng tới 18,6% so với năm 2022.