Sau cú tăng vọt 68% ở phiên giao dịch đầu tiên trên sàn NASDAQ, cổ phiếu VFS của hãng xe điện VinFast đã chịu áp lực chốt lời mạnh trong hai phiên giao dịch gần đây. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 17/8 (theo giờ Việt nam), ngay khi thị trường vừa mở cửa, cổ phiếu của VinFast đã chịu áp lực giảm mạnh xuống mức 23,2 USD/cổ phiếu, so với mức giá đóng cửa ngày 16/8 tại 30,11 USD/cổ phiếu.
Cổ phiếu VFS đã có những nỗ lực cân bằng trở lại quay vùng giá 24,5 USD/cổ phiếu sau đó. Tuy nhiên, áp lực chốt lời ngày càng lớn khiến mã cổ phiếu này chìm trong sắc đỏ phần lớn thời gian giao dịch và trượt giá dần. Chốt phiên giao dịch ngày thứ ba trên thị trường chứng khoán Mỹ, cổ phiếu VFS chỉ còn 20 USD/cổ phiếu, giảm 33,58% so với mức giá mở cửa.
Lượng cổ phiếu VFS được “sang tay” trong phiên giao dịch thứ ba chỉ đạt hơn 1,83 triệu cổ phiếu, thấp hơn rất nhiều so với mức 3,1 triệu cổ phiếu trong phiên giao dịch thứ hai và mức 6,9 triệu cổ phiếu trong phiên giao dịch đầu tiên.
Với mức thị giá 20 USD/cổ phiếu, tổng giá trị vốn hoá thị trường của hãng xe điện VinFast tiếp tục giảm thêm 13,5 tỷ USD, xuống còn khoảng 56 tỷ USD. Trước đó, trong ngày giao dịch thứ hai, cổ phiếu VFS đã giảm 18,8%.
Diễn biến cổ phiếu VinFast trong hai phiên giao dịch gần đây đồng pha với tình hình chung của thị trường chứng khoán Mỹ. Kết thúc ngày 17/8, chỉ số NASDAQ Composite đã giảm 1,17%, xuống còn 13.316,93 điểm – xác lập phiên giảm điểm thứ ba liên tiếp.
Trong cuộc họp báo trực tuyến ngay sau phiên chào sàn ngày 15/8, CEO VinFast bà Lê Thị Thu Thủy thừa nhận "bất ngờ" khi cổ phiếu VFS tăng vọt lên 37 USD ngay trong phiên đầu tiên. Trước đó, theo CEO VinFast, khi đi hỏi các ngân hàng đầu tư, hầu hết đều nói là cổ phiếu sẽ đỏ, tức là VFS sẽ giảm xuống dưới 10 USD/cổ phiếu trong phiên đầu tiên.
Theo cập nhật mới nhất của Forbes, việc cổ phiếu Vinfast giảm mạnh phiên thứ hai liên tiếp đã khiến khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup tiếp tục giảm 16%, xuống còn 31,4 tỷ USD - đứng thứ 46 trong danh sách các tỷ phú thế giới. Tập đoàn VinGroup và hai doanh nghiệp khác do ông Phạm Nhật Vượng sở hữu (VIG và Asian Star) đang nắm tổng cộng hơn 99% cổ phần của hãng xe điện VinFast.
Đáng chú ý, mặc dù có hơn 2,3 tỉ cổ phiếu VFS được lưu hành, nhưng hiện chỉ có khoảng 4,5 triệu cổ phiếu VFS được tự do giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ (free float). Qua đó cho thấy tỷ lệ free float của cổ phiếu VinFast ở mức rất nhỏ.
Thông thường, các cổ phiếu có tỷ lệ free float nhỏ sẽ có chênh lệch giá mua - bán rộng, dễ xảy ra các biến động. Ngược lại, các cổ phiếu có tỷ lệ free float lớn thường có biến động giá ít hơn do các nhà đầu tư tự do chuyển nhượng lớn, tính thanh khoản cao.
Với diễn biến như hiện tại, có thể cần thêm thời gian để xác định mức giá cân bằng hơn của cổ phiếu VinFast cũng như vốn hóa của doanh nghiệp này. Biến động sẽ trở nên chính xác hơn khi tỷ lệ free float cao hơn.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các cổ phiếu thuộc họ Vingroup cũng đã có phiên giảm điểm trong ngày 17/8. Trong đó, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup đã giảm 4,9% xuống còn 71.900 đồng/cổ phiếu sau phiên tăng trần vào ngày 16/8. Cổ phiếu VRE của Vincom Retail và cổ phiếu VHM của Vinhomes cũng lần lượt giảm 3% và 2,9%. Ba cổ phiếu này là một trong những tác nhân khiến chỉ số VN-Index giảm gânf 10 điểm trong ngày 17/8.