Công bố chính thức nội dung của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

Mặc dù không còn Hoa Kỳ nhưng Hiệp định CPTPP vẫn được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây. Dự kiến, Hiệp định sẽ đem l

Ngày 30 tháng 01 năm 2017, Hoa Kỳ đã có thư gửi các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thông báo chính thức rút khỏi Hiệp định TPP.

Với tư cách là nước chủ nhà APEC, Việt Nam đã phối hợp với Nhật Bản và các nước khác để duy trì TPP. Sau một năm trao đổi hết sức khẩn trương, các nước đã đạt được bước tiến đột phá về TPP tại cuộc họp cấp Bộ trưởng tổ chức bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Cụ thể, các nước thông qua tên gọi mới của Hiệp định gồm 11 thành viên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời thống nhất các nội dung cơ bản của Hiệp định này. Trên cơ sở đó, các nước đã kết thúc toàn bộ nội dung đàm phán còn lại vào cuối tháng 1 năm 2018. Hiện nay, các nước đang hoàn tất các thủ tục trong nước để có thể tiến hành ký kết Hiệp định vào ngày 8 tháng 03 năm 2018 tại San-ti-a-gô, Chi-lê. Việt Nam đang phối hợp với các nước để hoàn thành thủ tục trong nước và tham gia ký kết theo lộ trình trên.

Mặc dù không còn Hoa Kỳ nhưng Hiệp định CPTPP vẫn được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây. Dự kiến, Hiệp định sẽ đem lại lợi ích cụ thể cho tất cả các nước tham gia. Với Việt Nam, chúng ta cũng trông đợi ở Hiệp định này các khía cạnh như:

+ Về chính trị - đối ngoại, CPTPP mới sẽ là tập hợp có ý nghĩa của các nước trong khu vực, có khả năng đem lại các lợi ích và lợi thế thiết thực, từ đó tác động để các nước cân nhắc tham gia CPTPP, thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

+ Về kinh tế, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Ốt-xtrây-lia, Ca-na-đa, Mê-hi-cô cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Phần quan trọng khác chính là việc giúp ta cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài.

+ Hiệp định CPTTP có tính mở, khi có nước khác tham gia Hiệp định thì lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Là nước tham gia từ đầu thì Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.

Ngày 21 tháng 2 năm 2018, các nước đã công bố lời văn tiếng Anh của Hiệp định CPTPP. Cùng với các nước, Việt Nam cũng đã công bố lời văn tiếng Việt của Hiệp định tại Cổng Thông tin Điện tử của Bộ Công Thương:

http://www.moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/hiep-%C4%91inh-%C4%91oi-tac-toan-dien-va-tien-bo-xuyen-thai-binh-duong-cptpp-10708-22.html

Nội dung chính của Hiệp định gồm các văn kiện:

(i) Lời văn của Hiệp định CPTPP gồm Lời mở đầu và 7 điều khoản (Điều 1- Tích hợp Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Điều 2-Tạm đình chỉ thực hiện một số điều khoản, Điều 3-Hiệu lực, Điều 4-Rút khỏi Hiệp định, Điều 5-Gia nhập, Điều 6-Rà soát Hiệp định CPTPP và Điều 7-Các lời văn xác thực);

(ii) Phụ lục Danh mục một số điều khoản tạm đình chỉ thực hiện theo Hiệp định CPTPP gồm 20 nhóm nghĩa vụ tạm hoãn áp dụng theo Hiệp định này (trong đó có 11 nghĩa vụ liên quan tới Chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ còn lại liên quan tới 7 Chương là Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ Tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh bạch hóa và Chống tham nhũng). Ngoài ra, Phụ lục này còn điều chỉnh lại nội dung dẫn chiếu liên quan tới thời điểm có hiệu lực cho phù hợp hơn với Hiệp định CPTPP đối với bảo lưu về các biện pháp không tương thích trong dịch vụ và đầu tư của Bru-nây và bảo lưu về doanh nghiệp nhà nước của Ma-lai-xi-a.

Ngoài các nội dung chính thức trên, cũng như với Hiệp định TPP trước đây, các nước dự kiến cũng ký một số Thư trao đổi về liên quan đến các nội dung thuộc quan tâm riêng của mỗi nước khi Hiệp định CPTPP được ký chính thức.

Sau khi được ký kết, Hiệp định CPTPP sẽ được trình để Quốc hội xem xét, thông qua và quyết định việc đưa vào thực hiện theo lộ trình được các nước tham gia CPTPP thống nhất.