Thực hiện chương trình làm việc với các công đoàn cơ sở, trong đầu tháng 11/2020, Đoàn công tác của Công đoàn Công Thương Việt Nam do ông Trần Quang Huy - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam đã đến thăm và làm việc với Lãnh đạo, Công đoàn Công ty CP Xà phòng Hà Nội; Công ty CP DAP số 2 - Vinachem (Lào Cai); CTCP Phân bón miền Nam; CTCP Bột giặt Lix.
Tại Công ty CP Xà phòng Hà Nội, Chủ tịch Trần Quang Huy đánh giá cao nỗ lực của đơn vị trong thời gian dịch bệnh COVID-19 đã rất linh hoạt và năng động sản xuất dung dịch nước rửa tay khô sát khuẩn cung cấp cho các đơn vị khác trong và ngoài ngành, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, đảm bảo ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động.
Với Công ty CP DAP số 2 – Vinachem, Chủ tịch Trần Quang Huy ghi nhận cố gắng của đơn vị mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tiêu thụ sản phẩm bị chậm... nhưng vẫn cố gắng duy trì sản xuất, đảm bảo thu nhập, ổn định đời sống và việc làm cho người lao động.
Trong chuyến làm việc tại CTCP Phân bón miền Nam, Chủ tịch Trần Quang Huy và đoàn đã đến thăm và làm việc tại Nhà máy Phân bón Hiệp Phước, thăm nhà nghỉ qua đêm cho công nhân đi làm xa tại Nhà máy. Tại đây, Đoàn trực tiếp làm việc với cán bộ công đoàn tại các phòng ban, phân xưởng, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người lao động tại đơn vị. Chủ tịch Huy đánh giá cao sự cố gắng của lãnh đạo CTCP Phân bón miền Nam trong việc nỗ lực đảm bảo việc làm cho người lao động trong hoàn cảnh khó khăn của ngành phân bón như hiện nay. Đồng thời động viên người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, tất cả vì mục tiêu doanh nghiệp phát triển bền vững.
Tại buổi làm việc với CTCP Bột giặt Lix, Chủ tịch Trần Quang Huy cảm ơn Công ty đã tiên phong trong việc sản xuất nước rửa tay khô, đảm bảo cho người lao động ngành Công Thương được bảo vệ trước đại dịch Covid-19. Trong đợt bão lụt miền Trung vừa rồi, Công ty cũng đã ủng hộ đồng bào miền Trung 200 triệu đồng bằng hiện vật và 200 triệu đồng tiền mặt, chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào miền Trung. Thăm nhà ăn ca, ông Huy cũng ghi nhận bữa cơm ca của người lao động đã được Công ty chăm lo chu đáo, với mức 25.000-27.000đ/suất ăn (chỉ tính riêng cho thức ăn), người lao động đã có bữa ăn ca đầy đủ chất dinh dưỡng, đủ sức khỏe để làm việc tốt.
Tại các đơn vị Đoàn đến thăm, người đứng đầu đội ngũ lao động ngành Công Thương đều nhắc nhở doanh nghiệp chú ý có các biện pháp quyết liệt để bảo vệ người lao động trước đại dịch Covid-19. Đồng thời, Công đoàn Công Thương Việt Nam cũng sẽ tiếp tục kiến nghị đến các cấp liên quan, sớm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị sản xuất phân bón khỏi ảnh hưởng của Điều 13 Luật số 71.
Nhân dịp này, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã hỗ trợ cho 100 người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại hai công ty với tổng số tiền 50 triệu đồng.
Khoản 1, Điều 13 Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội quy định, phân bón là mặt hàng thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) kể từ ngày 1/1/2015. Do đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào (kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định) dùng cho sản xuất phân bón. Toàn bộ chi phí này phải tính vào chi phí sản xuất, khiến người nông dân vẫn phải mua phân bón nội địa với giá cao.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ khi triển khai đến nay, Luật thuế 71 đã gây ra thiệt đơn thiệt kép khi người nông dân phải mua phân bón với giá cao, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất trong nước và khiến Nhà nước thất thu thuế.