Dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế lớn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải chứng kiến những hậu quả trực tiếp ở mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự gián đoạn cung cầu hàng hóa, nguyên vật liệu.
Cùng với đó, giá dầu liên tục giảm mạnh kéo dài chưa có tiền lệ trong ngành năng lượng thế giới đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dầu khí, trên thế giới “sóng gió” trước dịch bệnh và giá dầu giảm sâu thì ở trong nước, nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế trong nước cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Trong hai ngày, 19 và 26/6/2020, Công đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức các buổi tọa đàm “Công đoàn chung tay cùng doanh nghiệp khắc phục hậu quả tác động kép do ảnh hưởng giá dầu và dịch Covid-19”.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu, diễn giả đã thảo luận về công tác đồng hành cùng doanh nghiệp đối phó với “tác động kép” của đại dịch Covid-19 và đưa ra các giải pháp đổi mới, điều chỉnh để phù hợp với tình tình thực tế trong thời gian tới.
Thứ nhất, giải pháp điều chỉnh, cơ cấu lại các hoạt động
Định hướng lại các hoạt động chính từ nay đến hết năm 2020 cho phù hợp tình hình thực tiễn trong đó tập trung vào các hoạt động chính tuyên truyền đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác chăm lo, bảo vệ người lao động (NLĐ), công tác phòng chống dịch và bảo đảm đời sống, việc làm cho NLĐ;.
Song song đó, chuyển hướng các hoạt động theo mô hình nhỏ, gọn, trực tuyến, tiết giảm tối đa chi phí và các hoạt động đông người.
Kịp thời nắm bắt tình hình, tham gia giải quyết có hiệu quả các tranh chấp lao động, không để ngừng việc tập thể trái pháp luật xảy ra liên quan hoặc không liên quan đến quan hệ lao động. Giảm thiểu tối đa các vấn đề nợ đọng tiền lương, BHXH… của NLĐ; Tích cực đẩy mạnh công tác Tư vấn hỗ trợ pháp lý cho NLĐ;
Thứ hai, giải pháp về chính sách và tài chính
Tập trung, cân đối nguồn tài chính, dồn mọi nguồn lực tập trung chăm lo, hỗ trợ các đối tượng là NLĐ khó khăn: thu nhập thấp, mất việc, nghỉ chờ việc, bệnh hiểm nghèo…;
Tập trung vào các công trình phúc lợi phục vụ cho đoàn viên người lao động, sử dụng hiệu quả các công trình phúc lợi tập thể. Tiết giảm tối đa các chi phí hành chính, tổ chức sự kiện, kỷ niệm, hội họp….
Hỗ trợ, tìm kiếm nguồn tài trợ, vận động các doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị đóng góp vật chất, sử dụng tối đã các quỹ nội bộ của đơn vị để hỗ trợ người lao động gặp khó khăn; làm việc với các đối tác ký kết chương trình phúc lợi của tổ chức Công đoàn tăng cường, bổ sung các gói ưu đãi, giảm giá, khuyến mại sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên công đoàn, nhất là các gói hỗ trợ tín dụng, cho vay không cần thế chấp.
Thứ ba, giải pháp tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động, nắm bắt tư tưởng đoàn viên người lao động
Đi sâu, nắm bắt kịp thời tình hình NLĐ khó khăn, mất việc, chờ việc để để kịp thời có các giải pháp phối hợp cùng NSDLĐ có các biện pháp bố trí sử dụng lao động, đảm bảo công ăn việc làm cho NLĐ một cách tốt nhất, giảm thiểu tối đa NLĐ bị mất việc, chờ việc.
Tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, giải pháp chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động của tổ chức công đoàn, kêu gọi trách nhiệm xã hội, giúp đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động, toàn xã hội hiểu, phối hợp và đồng hành cùng tổ chức công đoàn chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Thứ tư, giải pháp đẩy mạnh hoạt động phong trào sáng kiến, sáng chế, giải pháp, hiến kế và động viên khen thưởng
Phát động, đẩy mạnh và tuyên truyền các phong trào: “Đổi mới sáng tạo, hiệu quả trong các hoạt động công đoàn”; Phát động phong trào “Lao động sáng tạo” để phát huy cao điểm hiến kế, phát huy tối đa trí tuệ của ĐV-NLĐ cho các hoạt động phát triển SXKD; Khen thưởng sáng kiến, giải pháp trong công tác phòng chống dịch bệnh. Phát động phong trào “Lao động sáng tạo Cấp Công đoàn Dầu khí”; Khen thưởng các đơn vị và cá nhân trong Ngành có nhiều sáng kiến, giải pháp hay, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch gần 300 triệu đồng (cho 13 tập thể và 40 cá nhân với gần 60 sáng kiến, giải pháp).
Ngoài ra, các đại biểu đã thảo luận về các tác động ảnh hưởng của việc suy giảm giá dầu và dịch Covid-19 đến hoạt động SXKD của từng đơn vị, tác động đến đời sống, việc làm của NLĐ. Các biện pháp, giải pháp của tổ chức công đoàn chung tay cùng doanh nghiệp khắc phục tác động, hậu quả và ổn định đời sống, việc làm cho NLĐ như các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ NLĐ khi dịch bệnh.
Đi cùng các giải pháp của các đại biểu đưa ra tại Hội nghị, đại diện Công đoàn Dầu khí Việt Nam cũng cho biết, thời gian vừa qua, Công đoàn đã tiếp tục chỉ đạo các cấp Công đoàn thực hiện tốt các văn bản pháp luật của Nhà nước về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, tiếp tục thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ, của Đảng. Theo đó, Công đoàn Dầu khí Việt Nam thường xuyên vận động cán bộ công đoàn, đoàn viên thực hiện và tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, đồng nghiệp thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung đông người.
Tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2020; chú trọng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, sức khỏe cho đoàn viên, người lao động do các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc.
Phối hợp với người sử dụng lao động chăm lo đảm bảo an toàn, nâng cao sức khỏe, thể trạng của người lao động thông qua các hình thức như: cải thiện chất lượng bữa ăn ca, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hỗ trợ thêm các bữa ăn phụ, các loại thực phẩm, đồ uống bổ sung khoáng chất, vitamin…; bố trí giãn cách thời gian ăn ca, vị trí ngồi, làm vách ngăn tại khu vực ăn ca đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch…
Như vậy, qua buổi tọa đàm các cấp công đoàn đã nhận thức được rõ vai trò của tổ chức công đoàn và tiếp tục phát huy tốt truyền thống nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết nỗ lực quyết tâm cùng chuyên môn lao động sáng tạo để vượt qua mọi khó khăn và các thách thức do tác động kép của giá dầu giảm và dịch Covid-19 để đổi mới, hoạt động ngày càng vững mạnh, thực sự là tổ chức công đoàn của NLĐ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.