Ngay khi mới gặp tôi, anh Nguyễn Mạnh Kha – Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam trải lòng, còn rất nhiều người lao động dầu khí có hoàn cảnh éo le. Do vậy, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã chuẩn bị chương trình hỗ trợ người lao động dầu khí có hoàn cảnh khó khăn từ tháng 4 nhưng vì thực hiện giãn cách xã hội nên đến giờ mới có thể triển khai.
Nhân dịp Tháng Công nhân (tháng 5), bên cạnh các hoạt động như khen thưởng, biểu dương gương điển hình lao động giỏi, sản xuất tốt, tôn vinh các cán bộ công nhân viên có thành tích nghiên cứu khoa học, sáng kiến sáng chế đóng góp cho ngành Dầu khí, Công đoàn Dầu khí thường xuyên tổ chức các đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Điểm đến đầu tiên của đoàn là nhà của chị Nguyễn Thị Hiền, quận Thanh Xuân, Hà Nội (công đoàn viên thuộc Công đoàn PVcomBank). Chị Hiền đang sống chung với con gái nhỏ, kháu khỉnh và thông minh. Căn hộ mà hai mẹ con đang sinh sống được chị Hiền mua trả góp. Đầu năm 2020, trong lần khám bệnh định kỳ cho cán bộ công nhân viên, chị Hiền đã phát hiện bị ung thư tuyến giáp cần phải phẫu thuật gấp. Chị đã rất hoang mang, lo sợ không biết tương lai của mình, của con gái nhỏ sẽ ra sao. Ca phẫu thuật may mắn thành công, chị Hiền đang trong giai đoạn sử dụng thuốc xạ trị lần thứ nhất (3 tháng).
Tâm sự với chúng tôi, chị Hiền cho biết, sau ca phẫu thuật chị đã bình tâm hơn rất nhiều. Dù vẫn còn lo lắng, bởi có người chỉ điều trị một đợt thuốc xạ trị là ổn nhưng cũng có người phải điều trị cả chục đợt thuốc mới qua khỏi. Bây giờ, mỗi sáng thức dậy chị Hiền đều cảm nhận được niềm hạnh phúc nhỏ nhoi là mình còn sống, còn sức khỏe để chăm lo cho con gái, là điều đáng quý nhất.
Công đoàn PVcomBank khi biết được hoàn cảnh khó khăn của chị Hiền đã đưa chị vào danh sách công đoàn viên cần hỗ trợ và giúp chị một phần tiền thuốc chữa bệnh, đồng thời đề đạt lên Công đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục hỗ trợ chị Hiền.
Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Kha chia sẻ, nhiệm vụ cơ bản nhất của Công đoàn là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, khi người lao động gặp hoàn cảnh éo le, cần sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp, cán bộ công đoàn là người phải đứng ra hỗ trợ, kêu gọi giúp cho người lao động.
Sự kêu gọi lòng trắc ẩn của chính các đồng nghiệp trong cùng một cơ quan, đơn vị hay cả trong Tập đoàn đều phải xuất phát từ sự tự nguyện và cảm thông chứ không hề có tính bắt buộc. Nếu không thực hiện một cách khéo léo và chân tình thì vô hình chung sẽ khiến người được giúp đỡ cảm thấy áy náy, phiền phức suốt cuộc đời.
Trường hợp thứ hai mà đoàn đến thăm là gia đình anh Vũ Đình Dũng làm tại đơn vị PAMC. Anh Dũng là người hiền lành và chăm chỉ. Có thâm niên hơn chục năm công tác tại các chi nhánh của PVcomBank. Anh mắc căn bệnh viêm gan siêu vi B mà không hề hay biết.
Một dạo anh Dũng tự nhiên thấy sức khỏe sút kém, có lúc còn phát sốt theo chu kỳ 1 tuần 1 lần vào đúng thứ Bảy, đến chiều Chủ nhật lại tự nhiên khỏi. Anh chỉ nghĩ là do lớn tuổi nên sức khỏe kém đi. Đến khi vợ anh bắt phải đi bệnh viện thăm khám mới phát hiện đã phát bệnh viêm gan siêu vi B và sơ gan độ 4.
Được biết, anh Dũng là một trong những nhân viên có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp tại PAMC với mức lương chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, hiện anh Dũng vẫn đang trong quá trình điều trị bệnh ngoại trú với liệu trình cực kỳ tốn kém. Bởi vậy, khi nhận được hỗ trợ từ Công đoàn Dầu khí Việt Nam, anh Dũng đã rất xúc động và bày tỏ sự cảm ơn chân thành của mình.
Đi đến tận nhà, thăm gia cảnh và lắng nghe người lao động bày tỏ tâm tư của mình, những cán bộ công đoàn đã nhận ra nhiều điều. Trong cuộc đời, không ai có thể chắc chắn rằng tương lai mình sẽ không rơi vào nghịch cảnh. Tai nạn, bệnh tật… có thể đến với bất cứ ai, bất cứ lúc nào.
Và đâu đó quanh chúng ta vẫn còn những mảnh đời đầy gian nan vất vả, những hoàn cảnh éo le, những đồng nghiệp đang chấp chới giữa sự sống và cái chết, rất cần sự chia sẻ của cộng đồng.
Chính vì vậy, những người làm công tác công đoàn không được cho phép mình thờ ơ trước bất cứ người lao động có hoàn cảnh khó khăn nào. Bởi đơn giản con người chính là vốn quý của Công đoàn, của doanh nghiệp, đó cũng chính là truyền thống “lá lành đùm lá rách”, giúp nhau qua cơn hoạn nạn của người Dầu khí.