Malta hình thành lực lượng đặc trách về Blockchain
Ông Wayne Grixti, tham mưu tư vấn của lực lượng đặc trách Quốc gia Malta về Blockchain cho biết, Malta có những công ty lớn về mã hoá. Công nghệ chuỗi khối được áp dụng trong tài chính và nhiều lĩnh vực khác tại quốc gia này.
“Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng của chúng tôi đưa ra những tầm nhìn xa hơn nữa - muốn trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về chuỗi khối. Vì vậy, lực lượng đặc trách quốc gia về Blockchain đã được thành lập để thiết kế và tham mưu cho Chính phủ. Lực lượng đặc biệt này sẽ đưa ra những quy trình, kế hoạch hành động. Sau khi thảo luận, đề xuất sẽ được xây dựng thành luật pháp", ông nói.
Vị chuyên gia này chia sẻ rằng đất nước ông có những khung thời gian cụ thể cho từng bước của những hoạt động này. Chúng nhận được phản hồi tích cực từ người dân.
“Chúng tôi cũng tổ chức những cuộc hội thảo tập huấn về lĩnh vực này sau đó mời các công ty, doanh nghiệp, giúp họ nhận được tầm quan trọng của công nghệ chuỗi khối để trở thành những đối tác hàng đầu trên thế giới", ông Grixti nói tiếp.
Malta hiện mới khởi động quá trình ứng dụng Blockchain được vài năm. Quốc gia này vẫn đang trong quá trình chuẩn bị hành lang pháp lý.
"Chúng tôi cũng thành lập trung tâm về thuế để thu thuế. Thanh tra thuế sẽ sử dụng công nghệ Blockchain. Sắp tới, chúng tôi sẽ tạo cơ chế để các cơ quanhữu quan, doanh nghiệp có thể hợp tác hiệu quả hơn", ông Grixti nói.
Theo Wayne Grixti, không chỉ Blockchain, Malta còn tính tới việc áp dụng những công nghệ khác như trí tuệ ảo, một số về số hoá… vào công tác quản lý và điều hành của chính phủ.
Singapore: Huy động vốn qua ICO, dùng Blockchain quản lý bệnh án
Đại diện đến từ Singapore, ông Tong Hsien-Hui (Investments SGInnovate) cho biết, khi mới làm Blockchain, Singapore cũng gặp thất bạivà sai lầm nhưng đã dần tìm ra cách sửa sai.
"Cách đây 5, 6 năm, Blockchain bắt đầu du nhập vào Singapore. Chúng tôi phấn khích khi sử dụng vì tính ưu việt của nó. Công nghệ Blockchain cũng đã được lồng ghép vào phát triển kinh tế", ông nói.
Tại Singapore, Blockchain được nhân rộng ra nhiều ngành nghề kinh doanh và lĩnh vực kinh tế khác nhau. Có một điều đáng chú ý khi Blockchain tỏ ra thành công ở mọi lĩnh vực.
"Bản thân của Blockchain và dữ liệu lưu trữ có tính bền vững, ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, khi sử dụng, chúng tôi gặp thách thức không nhỏ về công nghệ cũng như kỹ thuật. Chúng tôi phải vừa làm vừa mày mò để xem thách thức này thế nào, phù hợp với Singapore hay không", ông nói.
Theo Tong Hsien-Hui: "Ngay khi sử dụng, chúng tôi thấy công nghệ này rất hấp dẫn. Đó là lý do Blockchain được sử dụng để lưu trữ bệnh án trong ngành y tế. Nếu đi khám bệnh ở Sing, hồ sơ bệnh án của bạn sẽ được lưu trữ bằng công nghệ Blockchain. Toàn bộ thông tin được lưu trữ tuyệt mật”.
“Tuy vậy, sau 5 năm ứng dụng, phát triển, chúng tôi thừa nhận rằng mình vẫn đang ở giai đoạn sơ khai. Chúng tôi vẫn phải tiếp tục hoàn thiện, nhân rộng mô hình này hơn nữa", Tong Hsien-Hui nói thêm.
Nói về huy động vốn qua các loại tiền thuật toán (ICO), ông Tong Hsien-Hui cho biết mình cũng làm việc cho Chính phủ Singapore. Với ICO, trong thời gian đầu, lĩnh vực này chưa có hướng dẫn pháp lý cụ thể. Tuy nhiên sau đó, chính phủ Singapore đưa ra hành lang pháp lý rõ ràng với lộ trình trong khoảng 10 - 15 năm.
“Chúng tôi có cơ chế hướng dẫn và hành lang pháp lý hợp lý để kêu gọi doanh nghiệp hùn vốn và thu hút được sự đầu tư của tư nhân cũng như các doanh nghiệp nước ngoài. Chúng tôi làm những thử nghiệm với các thông số khác nhau để xem chúng có hiệu quả hay không. Sau đó, chúng tôi sẽ tìm ra chính sách phù hợp với ICO”, vị chuyên gia đến từ Singapore chia sẻ.
Trung Quốc cấm tiền mã hóa, vẫnphát triển công nghệ Blockchain
Ông Dane Elliot - Giám đốc Kinh doanh Achain cho biết, một số người từng cho rằng tiền mã hóa là một điều không hợp pháp. Thế nhưng, nhờ sự đổi mới, chính phủ một số nước đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho Blockchain. Nhiều quốc gia khác cũng nhận thấy tính ưu việt của công nghệ mới này.
Tại Trung Quốc, tiền thuật toán bị cấm nhưng chính phủ lại dành một khoản hỗ trợ không hoàn lại để đầu tư cho các công ty phát triển công nghệ Blockchain.
Theo ông Dane Elliot: “Chúng ta cần phân biệt tiền thuật toán, tiền mã hóa với Blockchain. Blockchain có nhiều ứng dụng hiệu quả chứ không đơn thuần chỉ có tiền mã hóa. Nó cũng giống như công nghệ Internet 2.0. Khi mới ra đời, nhiều người chưa chấp nhận nhưng sau một thời gian, Internet bộc lộ tính ưu việt của mình và được chấp nhận rộng rãi", ông nói
Malaysia khởi động chương trình Blockchain từ 2016
Khi nói về sự phát triển của công nghệ Blockchain tại Malaysia, bà Mastura Ishak (Giám đốc chương trình Blockchain - Tập đoàn Công nghệ cao Malaysia) cho biết, đơn vị của bà được thành lập năm 1993 bởi văn phòng chuyên trách phát triển công nghệ của Chính phủ. Năm 2016, Chính phủ Malaysia chính thức khởi động chương trình về Blockchain.
Theo bà Mastura Ishak, công nghệ Blockchain không chỉ có vai trò quan trọng trong công nghiệp mà còn đối với sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác. Kết quả mà công nghệ Blockchain mang lại đem đến nhiều tín hiệu tích cực. Malaysia đã thúc đẩy các sáng kiến về Blockchain và đặt mục tiêu trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này.
Dù lúc đầu, công nghệ này vẫn còn gặp nhiều trở ngại nhưng Mastura Ishak vẫn tin rằng, công nghệ này sẽ được ứng dụng rộng rãi và được người dân đón nhận. Bà cũng kỳ vọng, đến năm 2019, công ty sẽ phát triển thêm nhiều công nghệ này.
Vị đại diện đến từ Malaysia cho rằng, để nhanh chóng ứng dụng Blockchain vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế xã hội, Việt Nam cần năng động tham gia cộng đồng quốc tế, nỗ lực tạo cơ hội cho các bên liên quan để có thể xây dựng được hệ sinh thái.