Rác thải cũng là tài nguyên, nhưng hiện nay chúng ta đang lãng phí rất lớn nguồn tài nguyên cho khả năng tái tạo này. Với nguồn nguyên liệu sẵn có, vừa không mất tiền mua, lại góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường, giảm diện tích đất chôn lấp cũng như chi phí tiêu hủy, thì khi xây dựng các nhà máy sản xuất điện từ rác có khả năng cung cấp cho hệ thống điện quốc gia một nguồn điện rất lớn, tới hàng nghìn MW.
Tại buổi tọa đàm, các bộ, ngành, địa phương cùng nhiều chuyên gia đã được đại diện Tập đoàn Malakoff (Malaysia), Oschatz, Eurec, CCP (Đức) giới thiệu những công nghệ tiên tiến và mới đối với Việt Nam để xử lý rác thải thành điện.
Nhiều đại biểu cho rằng, với công nghệ này cơ hội để đầu tư vào Việt Nam là rất lớn. Chính phủ Việt Nam cũng như địa phương các tỉnh rất hoan nghênh các dự án xử lý chất thải rắn thành điện. Chính vì vậy, đây là cơ hội tốt để các cơ quan hữu quan của Việt Nam xem xét, chia sẻ kinh nghiệm trong và ngoài nước cho việc áp dụng công nghệ này vào việc phát triển điện và bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Theo tính toán của Công ty Ecotech, đơn vị đang theo đuổi công nghệ xử lý rác thải kết hợp phát điện: Trong giai đoạn 2015 - 2020, với lượng rác trung bình thải ra của các thành phố lớn như Hà Nội (7.000 - 8.000 tấn/ngày); TP. Hồ Chí Minh (10.000 - 12.000 tấn/ngày; Hải Phòng và Đồng Nai (5.000 - 6.000 tấn/ngày)... là nguồn cung cấp nhiên liệu ổn định cho các nhà máy rác - điện công suất 500 tấn/ngày (8 MW) tương đương sản lượng gần 350 MW điện được sản xuất từ rác.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, cho biết: Việc tìm ra các nguồn năng lượng để phát triển điện đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là các nguồn năng lượng sạch, tái tạo giúp bảo vệ môi trường. Công nghệ xử lý rác thải kết hợp với phát điện đang được Chính phủ Việt Nam quan tâm. Đây là lĩnh vực rất mới đối với Việt Nam. Hiện Bộ Công Thương đang hoàn thiện cơ chế đối với các dự án điện từ rác để trình Thủ tướng Chính phủ. Thứ trưởng Quang khẳng định: Chắc chắn điện từ rác thải sẽ có cơ chế riêng về giá, có những có chế khuyến khích ưu đãi liên quan về thuế, thuê đất,... Bộ Công Thương sẵn sàng cùng các bên tìm kiếm giải pháp, xây dựng cơ chế chính sách cụ thể để sớm có nhà máy xử lý chất thải rắn, đặc biệt là các nhà máy từ rác này. Dự kiến, quý I/2014 Chính phủ sẽ ban hành cơ chế.