Giới quan sát nhận định công suất lọc hoá dầu tại Trung Quốc và Nga hiện đang ở dưới mức thông thường khiến động thái tăng sản lượng khai thác hoặc xả kho dự trữ dầu thô của nhiều nước không có tác dụng nhiều trong việc hạ giá nhiên liệu trên toàn cầu. Trung Quốc và Nga là hai quốc gia có công suất lọc hoá dầu lớn thứ hai và thứ ba thế giới, sau Hoa Kỳ.
Trong hai năm vừa qua, các nhà máy lọc hoá dầu gần như không có lợi nhuận và nhiều nhà máy phải tạm ngưng hoạt động thời gian dài dưới tác động của đại dịch. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết công suất lọc dầu trên toàn cầu trong năm 2021 đã lần đầu tiên giảm xuống sau 30 năm, giảm 730.000 thùng/ngày. Trong tháng 4 vừa qua, công suất lọc hoá dầu toàn cầu chỉ đạt 78 triệu thùng/ngày. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021 và thấp hơn nhiều so với mức trung bình 82,1 triệu thùng/ngày trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Đặc biệt, Hoa Kỳ lần đầu tiên ghi nhận việc thiếu hụt công suất lọc hoá dầu sau nhiều thập kỷ. Công suất lọc hoá dầu tại nước này vào tháng 2/2022 chỉ đạt 17,9 triệu thùng/ngày, giảm tới gần 1 triệu thùng/ngày so với trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra.
Bên cạnh đó, dự trữ nhiên liệu trên toàn cầu đã giảm quý thứ 7 liên tiếp. Do đó, cùng với đà tăng của giá dầu thô thì giá các loại nhiên liệu chưng cất từ dầu thô đã tăng vọt thời gian vừa qua. Ví dụ, tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô đã tăng hơn 51% thì giá dầu sưởi tại Hoa Kỳ đã tăng 71% và lợi nhuận của các nhà máy lọc hoá dầu tại châu Âu ước đạt mức kỷ lục 40 USD/thùng.
Tình trạng thiếu hụt công suất lọc hoá dầu có thể trở nên trầm trọng hơn trong thời gian tới. Hãng LyondellBasell vừa cho biết họ sẽ đóng cửa vĩnh viễn nhà máy tại Houston với công suất xử lý 280.000 thùng/ngày vào cuối năm 2023 do chi phí bảo trì cao. Đây là một trong những nhà máy lọc hoá dầu lớn nhất của Hoa Kỳ có khả năng xử lý dầu thô chua nặng chứa lượng lớn tạp chất lưu huỳnh.
Trong khi đó, các nhà máy lọc hoá dầu khác tại Hoa Kỳ đang vận hành hết công suất để đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là nhu cầu xuất khẩu vốn đạt mức kỷ lục hơn 6 triệu thùng/ngày. Một số nhà máy cho biết sẽ không thể duy trì công suất ở mức tối đa trong thời gian dài liên tục. Đồng thời, việc Hoa Kỳ cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga cũng khiến các nhà máy lọc dầu tại khu vực Đông Bắc Hoa Kỳ thiếu nguồn dầu thô phù hợp để sản xuất nhiên liệu.
Tại Nga, hãng tin Reuters (Anh) ước tính công suất lọc hoá dầu của nước này đã giảm khoảng 30% dưới tác động của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Tập đoàn tài chính J.P.Morgan (Hoa Kỳ) nhận định sản lượng lọc hoá dầu của Nga sẽ giảm 1,3 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay.
Đối với Trung Quốc, công suất lọc dầu của nước này đã tăng thêm vài triệu thùng/ngày trong 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, hoạt động lọc hoá dầu tại đây đã giảm xuống trong những tuần gần đây khi nước này áp dụng các biện pháp phong toả diện rộng để kiểm soát đại dịch Covid-19. Sản lượng lọc hoá dầu của Trung Quốc trong tháng 4 chỉ đạt 13,1 triệu thùng/ngày so với mức trung bình 14,2 triệu thùng/ngày trong năm 2021.
Tại nhiều quốc gia khác, sản lượng lọc hoá dầu được dự báo sẽ không tăng lên trong thời gian tới, thậm chí có thể giảm. Tập đoàn năng lượng hàng đầu Nhật Bản Eneos Holdings cho biết không có kế hoạch mở cửa trở lại các nhà máy lọc dầu đã đóng cửa gần đây.
Một số dự án lọc hoá dầu mới cũng bị trì hoãn như dự án có quy mô 650.000 thùng/ngày tại Lagos (Nigeria) vốn được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2022 nhưng hiện bị trì hoãn đến cuối năm 2023. Điều này sẽ khiến thị trường tiếp tục đối mặt với rủi ro căng thẳng nguồn cung nhiên liệu và các sản phẩm khác từ dầu thô trong thời gian tới.
[Quảng cáo]