Công Thương Hà Nội: Nối rộng vòng tay

Theo Kế hoạch số 1111/KH-SCT về Chương trình liên kết công nghiệp, thương mại giữa TP. Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước, Sở Công Thương Hà Nội đã thực hiện tròn vai làm người kết nối.

Mới đây nhất, đầu tháng 8/2016, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức hoạt động giao thương kết nối đưa sản phẩm thế mạnh của tỉnh Thái Bình vào hệ thống phân phối của Hà Nội. Tại buổi giao thương, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đã nhận định, Hà Nội là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất cả nước và sẵn sàng đón nhận hàng nông sản của Thái Bình vào hệ thống phân phối bán lẻ trên địa bàn. Với mong muốn ấy, các nhà phân phối của Hà Nội đã đưa ra những lời khuyên hữu ích cho doanh nghiệp Thái Bình như phải có chiến lược maketing để quảng bá sản phẩm, thương hiệu tới người tiêu dùng. Bên cạnh hệ thống phân phối sản phẩm theo phương thức truyền thống, các doanh nghiệp Thái Bình cần quan tâm đến kinh doanh qua hình thức thương mại điện tử, xây dựng trang web quảng bá sản phẩm…

Trước đó, để chuẩn bị cho một mùa nông sản sắp vào vụ, ngày 19/4/2016, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã xây dựng và tổ chức Hội nghị Hợp tác phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chủ lực giữa TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Giang. Tại đây, Sở Công Thương Hà Nội đã thảo luận về việc hợp tác tạo liên kết từ chuỗi sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa chủ lực giữa TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016-2020. Cũng từ Hội nghị này, giữa tháng 6/2016, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP. Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị giao thương, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Bắc Giang với sự tham gia của 60 doanh nghiệp. Các sản phẩm, ngành hàng đặc trưng của địa phương như: vải thiều, gà đồi, mỳ chũ, rượu Vân, các sản phẩm gỗ… đã có cơ hội được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến. Và 15 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa doanh nghiệp Hà Nội và doanh nghiệp Bắc Giang.

Thêm một sự kiện kết nối giao thương nữa giữa Hà Nội và Bắc Giang là hệ thống siêu thị Hapro tổ chức thành công lễ khai mạc sự kiện “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội” vào ngày 24/6/2016 với sự tham gia của 25 doanh nghiệp, hợp tác xã của TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Giang.

Với Hà Giang, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức buổi làm việc bàn biện pháp triển khai, quảng bá xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam sành Hà Giang vào thị trường Hà Nội. Đại diện của các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình, các hợp tác xã sản xuất tỉnh Hà Giang cùng 6 hệ thống phân phối lớn của Hà Nội (Hapro, BigC, Metro,

Fivimart, Intimex, Co.opmart) đã tham gia rất sôi nổi nhằm bàn biện pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm này. Với sự hỗ trợ trong cách thức tuyên truyền, vận chuyển, hỗ trợ nhận diện thương hiệu… mùa cam vừa qua, cam Hà Giang đã được tiêu thụ rất mạnh tại thị trường Hà Nội.

Trong tháng 5/2016, một hội nghị hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã diễn ra với sự tham dự của đại diện 13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, 11 tỉnh, thành phố phía Bắc và trên 50 doanh nghiệp. Tại Hội nghị, UBND

TP. Hà Nội và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã ký thỏa thuận về chương trình hợp tác xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch; đồng thời, doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố có cơ hội trưng bày và giới thiệu các sản phẩm đặc sản của mình, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư.

Cùng với việc tổ chức tốt các chương trình liên kết vùng, các hội nghị giao thương, xúc tiến thương mại, một hoạt động thường niên nữa mà Sở Công Thương trong 8 tháng qua làm rất tốt đó là tổ đưa các đoàn doanh nghiệp trong nước tham gia các hội chợ, triển lãm tại các tỉnh, thành phố.

Ấn tượng mà khách tham quan ghi nhận từ Hội chợ Xuân Bắc Ninh 2016 tại Trung tâm Thương mại Kinh Bắc là vô cùng dễ chịu bởi được thỏa sức tìm hiểu, tham quan cũng như mua sắm các sản phẩm. Sản phẩm trưng bày tại hội chợ thuộc các nhóm nghề: Gốm sứ Bát Tràng, tranh thêu, túi thủ công, lụa tơ tằm, gỗ mỹ nghệ, mây tre đan, sơn mài… Con số doanh thu của đợt bán hàng đạt trên 400 triệu đồng đã nói lên niềm yêu thích của người tiêu dùng đối với những sản phẩm dân gian mang hồn cốt Việt Nam.

Tương tự là Hội chợ Hùng Vương 2016 và Hội chợ Thương mại Quốc tế Festival Huế 2016. Từ lâu, hai hội chợ này đã chiếm được tình cảm của nhân dân toàn quốc vì việc được tham quan và mua sắm tại hội chợ đã trở thành thói quen, sở thích. Nhờ vậy, trong vòng chưa đầy 1 tuần lễ diễn ra Hội chợ Hùng Vương, tổng doanh thu đã đạt khoảng 500 triệu đồng và các đơn vị tham gia tìm được 10 đại lý phân phối, tiêu thụ sản phẩm.

Có thể nói, chỉ trong vòng 8 tháng, Sở Công Thương Hà Nội đã kiến thiết nhiều hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm cho các tỉnh, thành phố, mang lại những kết quả rất tốt cho hoạt động kích cầu và thực sự thể hiện tinh thần xốc vác đi đầu của một đơn vị đứng đầu ngành Công Thương Thủ đô.


Phương Thúy