Thực hiện được lời căn dặn của Bác Hồ cách đây 57 năm - Xây dựng chặng đường phát triển và đặt mốc son lịch sử sáng ngời - 60 năm xây dựng và trưởng thành của Mỏ Apatit Lào Cai, nay là Công ty TNHH 1TV Apatit Việt Nam.
Ngược dòng lịch sử!
Mỏ Apatit Lào Cai nằm ở phía hữu ngạn Sông Hồng với chiều dài phân bố gần 100 km và nằm trọn trong địa bàn tỉnh Lào Cai, là một Mỏ Apatit duy nhất trong cả nước .Với trữ lượng thăm dò và dự báo trên 2 tỷ tấn, trong đó trữ lượng đã thăm dò gần 800 triệu tấn, là nguồn tài nguyên quý hiếm, một tiềm năng quan trọng của tỉnh Lào Cai và cả nước để phát triển ngành công nghiệp phân bón và hoá chất, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp và thực hiện chiến lược an ninh lương thực của Đảng và Nhà nước.
Năm 1924, Mỏ được phát hiện ngẫu nhiên do một đồng bào địa phương, cụ là Trần Văn Nỏ, khi kê đá nướng củ mài, phốt pho trong quặng Apatit cháy sáng. Tiếng đồn đến tai người Pháp nên Mỏ được phát hiện từ đó. Sau khi phát hiện ra Mỏ, thực dân Pháp đã tiến hành thăm dò, đến năm 1940 chúng mới tiến hành khai thác. Chủ Mỏ Pháp và các cai thầu Việt Nam mộ phu từ các tỉnh miền xuôi, một số là đồng bào địa phương, có thời kỳ số lượng đến 3.000 thợ Mỏ. Cuộc sống cũng như điều kiện ăn ở của phu Mỏ lúc bấy giờ vô cùng cực khổ, phải sinh hoạt chung trong các lều lán, với công việc nặng nhọc, chủ yếu làm thủ công, lại bị cai ký đánh đập tàn nhẫn, sốt rét bệnh tật đã cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng. Không chịu áp bức nô lệ, công nhân khu Mỏ đã vùng dậy đấu tranh, phối hợp với nhân dân chống lại chủ Mỏ. Tháng 8 năm 1945, công nhân Mỏ đã tình nguyện tham gia các đội du kích dưới sự chỉ đạo của mặt trận Việt Minh để đánh Pháp, đuổi Nhật. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Lào Cai được giải phóng, vùng Mỏ Cam Đường đã về tay công nhân - nông dân. Hòa bình được lập lại, Đảng và Nhà nước đã tập trung vào công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân. Mỏ Apatit Lào Cai đã được Chính phủ, Bộ Công nghiệp quan tâm và đưa ra chủ trương tiến hành khảo sát thăm dò và đưa Mỏ trở lại hoạt động.
Ông Trần Văn Nỏ được Bác Hồ biểu dương khen tặng
Tháng 5 năm 1955, Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô, 1 đoàn chuyên gia Liên Xô cùng với các cán bộ Việt Nam đã lên Mỏ và tiến hành khảo sát Mỏ. Đến tháng 9 năm 1955, Nhà nước bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Văn Lang làm Giám đốc Mỏ, đồng chí Trần Ngọc Lạt làm Phó giám đốc Mỏ. Cán bộ công nhân và chuyên gia lúc đó có hơn 80 người ở chung một dãy nhà tạm ở đầu làng Hẻo, điều kiện ăn ở ban đầu rất thiếu thốn, gian khổ. Cùng thời kỳ này, Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập gồm 7 Đảng viên do đồng chí Nguyễn Văn Lang làm Bí thư, Mỏ bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1956. Ngay trong năm đầu, Mỏ đã khai thác được 23.000 tấn quặng loại 1, chủ yếu khai thác bằng thủ công và phương tiện thô sơ. Việc tiêu thụ quặng bằng ô tô đến Làng Giàng phải chuyển tải bằng phà cáp qua sông Hồng, sau đó mới đưa lên toa tàu hỏa vận chuyển về xuôi.
Mốc son ngày thành lập!
Ngày 23 tháng 9 năm 1958,cả khu Mỏ hân hoan khi được tin Bác Hồ về thăm. Bác đến tận khai trường thăm hỏi động viên công nhân. Trong buổi gặp mặt cán bộ công nhân viên khu Mỏ và đồng bào địa phương, Bác đã khen ngợi cán bộ Đảng viên, công nhân viên đã khắc phục khó khăn, nhanh chóng khôi phục Mỏ, sớm ổn định đời sống. Bác căn dặn: " Cán bộ công nhân Mỏ phải đẩy mạnh phong trào thi đua làm "nhiều - nhanh - tốt - rẻ" để làm giàu cho Tổ quốc, phải nâng cao tinh thần tự lực cánh sinh, giữ gìn máy móc thiết bị cho thật tốt, vì đó là mồ hôi, nước mắt của nhân dân Liên Xô". Bác đã trao 5 huy hiệu cho đồng chí Giám đốc để tặng cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong năm. Ghi nhớ và làm theo lời Bác, năm 1958 Mỏ đã hoàn thành vượt mức kế hoạch. Tháng 1 năm 1959, Bác Hồ cũng gửi thư khen với nội dung:
"Thân ái gửi công nhân và cán bộ Mỏ Apatit Lào Cai, Bác vui lòng khen các cô, các chú đã làm đúng lời hứa, đã thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch 10%. Mong các cô, các chú tiếp tục cố gắng hơn nữa để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm nay. Bác hỏi thăm các đồng chí chuyên gia, chúc các cô, các chú đoàn kết chặt chẽ và tiến bộ nhiều" - Bác Hồ.
Kể từ đó, Mỏ Apatit lấy ngày 23/9 hàng năm làm ngày truyền thống công nhân để đánh dấu một mốc son lịch sự đáng tự hào trên chặng đường phát triển lâu bền, hội nhập và đổi mới. Các thế hệ cán bộ công nhân viên Mỏ rất phấn khởi lập thành tích để báo cáo với Bác là: "Thưa Bác, thực hiện lời dạy của Bác năm xưa, sau 57 năm kể từ ngày Bác đến thăm Mỏ, chúng cháu đã phấn đấu và đã trở thành đơn vị anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Chúng cháu đã xây dựng công trình tượng đài công nhân để kỷ niệm sự kiện trọng đại này. Bức thư của Bác, hình ảnh của Bác, chúng cháu vẫn còn lưu giữ mãi mãi cho các thế hệ mai sau". Những năm tiếp theo, Mỏ đã phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất và sẵn sàng chiến đấu - "Tất cả vì Miền Nam ruột thịt". Đỉnh cao là năm 1963 đã khai thác được trên 900.000 tấn quặng loại 1, bóc trên 2 triệu m3 đất đá.
Từ năm 1964 - 1968 do ảnh hướng của chiến tranh pháp hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, Mỏ tạm thời dừng sản xuất, chuyển hướng sang làm XDCB, chuẩn bị các điều kiện phục hồi sản xuất sau chiến tranh. Theo điều động của Bộ Công nghiệp, nhiều cán bộ - CN thiết bị xe máy được điều động chi viện cho Mỏ than Núi Hồng, Làng Cẩm, Phấn Mễ, Khánh Hoà, ở nơi nào cán bộ công nhân viên khu Mỏ đều phát huy truyền thống, hăng hái tích cực thi đua lao động sản xuất và sôi sục đánh Mỹ. Theo lời kêu gọi của Tổ quốc, Mỏ Apatit Lào Cai đã cử hai đoàn Apatit 1 và 2 gồm 301 đồng chí lên đường vào Nam chiến đấu... Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh, có đồng chí hiện nay chưa tìm được phần mộ vẫn còn yên nghỉ tại các chiến trường Nam bộ. Một số các đồng chí đã trở lại công tác tại Mỏ.
Trưởng thành trong gian khó
Năm 1975 sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Mỹ buộc ngừng nén bom miền bắc, Mỏ Apatit bắt đầu thời kỳ khôi phục và phát triển. Mỏ được Nhà nước đầu tư nhiều máy móc thiết bị theo chương trình viện trợ của Liên Xô, chuẩn bị khởi động các công trình lớn xây dựng Nhà máy tuyển quặng Apatit. Tuy nhiên, tháng 2 năm 1979, cuộc chiến tranh biên giới bùng nổ. Cùng với tỉnh Lào Cai, Mỏ Apatit phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Các cơ sở hạ tầng, nhà máy, công sở bị tàn phá, các thiết bị máy móc bị lấy đi đã kịp thời sơ tán được. Nhiều cán bộ, công nhân viên, tài liệu và một số thiết bị cơ động đã kịp thời sơ tán đến chỗ an toàn.
Sau khi chiến tranh biên giới kết thúc, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự giúp đỡ tận tình của Chính phủ và nhân dân Liên Xô, tập thể cán bộ công nhân viên lại tiếp tục bắt tay khôi phục lại khu Mỏ, xây dựng lại cuộc sống của từng gia đình. Từ năm 1979 - 1985 là thời kỳ khôi phục Mỏ sau chiến tranh biên giới. Mỏ được Nhà nước đầu tư dự án mở rộng Mỏ theo công trình thiết bị toàn bộ của Liên Xô. Ban quản lý công trình Mỏ được thành lập. Năm 1988, Tổng cục Hóa chất đã quyết định sáp nhập Xí nghiệp xây lắp Mỏ vào Mỏ Apatit Lào Cai để thành lập Xí nghiệp Liên hiệp Apatit.
Năm 1993, Mỏ được chuyển đổi thành Công ty Apatit Việt Nam. Tháng 2 năm 1994, Nhà máy tuyển quặng Apatit Tằng Loỏng đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng một dây chuyền công suất 350.000 tấn/năm, đánh dấu một mốc quan trọng trong việc sử dụng triệt để nguồn quặng Apatit nghèo loại 3. Tháng 10 năm 2003, sau khi kết thúc khai thác quặng Pyrit, Bộ Công nghiệp đã có quyết định sáp nhập Công ty Pyrit Phú Thọ vào Công ty Apatit Việt Nam. Tháng 7 năm 2005 sau khi hoàn thành công tác quyết toán công trình mở rộng Mỏ, Bộ Công nghiệp đã có quyết định sáp nhập Ban quản lý mở rộng Mỏ vào Công ty Apatit Việt Nam. Thực hiện chủ trương đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết TW 3 của Đảng, tháng 8 năm 2005, Công ty Apatit Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam.
Những kết quả vượt bậc
Năm 2005- 2015, Công ty khi chuyển đổi sang mô hình Công ty TNHH, Mỏ đã phát triển đột biến vượt bậc về mọi mặt. Mục tiêu nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp nhằm phát huy tinh thần sáng tạo của cơ sở và thực hiện triệt để chống bao cấp. Tập thể lãnh đạo Công ty đã phát động cuộc vận động đổi mới toàn diện, từ tư duy, cách nghĩ, cách làm, đặt lợi ích cho Doanh nghiệp và Nhà nước lên hàng đầu. Động lực cho sự đổi mới và phát triển là sử dụng đòn bẩy kinh tế một cách mạnh mẽ, lấy lợi ích là công cụ để điều hành, trong đó xử lý hài hòa lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và người lao động. Công cuộc đổi mới tập trung vào 2 lĩnh vực then chốt là đổi mới tổ chức sản xuất và đổi mới cơ chế quản lý. Công ty đã tiến hành sắp xếp lại bộ máy gọn nhẹ, đưa quản lý 3 cấp xuống còn 2 cấp, giảm tỉ lệ gián tiếp từ 25% còn 17%, giảm các đầu mối trung gian không cần thiết, xây dựng một cơ chế quản lý, một nền sản xuất công khai, minh bạch trên nguyên tắc làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, xoá bỏ dần tình trạng bình quân chủ nghĩa trong thu nhập. Đi đôi với đổi mới tổ chức sản xuất và cơ chế quản lý, từng bước đổi mới công tác cán bộ, đề cao các nhân tố mới, nhân tố tích cực, khơi dậy các phong trào thi đua, phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất và tập trung xây dựng cơ bản nhằm tăng năng lực sản xuất,cũng như các cơ sở sản xuất mới; chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, đến nay đã đáp ứng đầy đủ thị trường trong nước và vươn ra xuất khẩu ra nước ngoài; tăng cường hợp tác với các đối tác để phát triển sản xuất theo hướng đa dạng hoá sản phẩm và chế biến sâu trên cơ sở phát huy tiềm năng và thế mạnh của Công ty trên địa bàn, tham gia đầu tư vốn để thành lập các công ty con, công ty liên kết; tăng cường công tác đối ngoại, tranh thủ sự giúp đỡ của Nhà nước, Bộ Công Thương, Tập đoàn, sự giúp đỡ và ủng hộ của chính quyền và nhân dân địa phương; tích cực chăm lo đời sống cán bộ công nhân viên đảm bảo công ăn việc làm, phấn đấu có thu nhập cao và ổn định. Đầu tư xây dựng, các công trình văn hoá - thể thao, tổ chức thường xuyên các đoàn tham quan, học tập ở trong nước và nước ngoài nâng cao trình độ cho người lao động. Năm 2005 đến nay, Công ty đã có những bước phát triển vượt bậc, tạo ra những mốc son quan trọng trong quá trình phát triển của Công ty. Về tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm là trên 17%, cao nhất năm 2008 là 29%. Doanh thu hàng năm đang hướng tới mục tiêu 4.000 tỷ đồng/năm. Năm 2005, doanh thu đạt 377 tỷ đồng, thì năm 2014 đạt 3.517 tỷ đồng; tăng 9,4 lần. Thu nộp ngân sách năm 2005 đạt 8 tỷ đồng, thì năm 2014 đạt 293 tỷ đồng; tăng 29,8 lần. Lợi nhuận năm 2005 đạt 8 tỷ đồng, thì năm 2014 đạt 439 tỷ đồng; tăng 55 lần. Thu nhập của CB CNV bình quân năm 2005 đạt 2 triệu đồng/người/tháng, thì năm 2014 đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng, tăng 5 lần. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân đạt trên 30%. Năng lực sản xuất của Công ty đang ở mức dồi dào, thỏa mãn nhu cầu quặng Apatit cho nền kinh tế quốc dân, sức sản xuất của Công ty hiện nay là hơn 3 triệu tấn quặng thành phẩm/năm và đất đá bóc trên 10 m3/năm. Nhiều khai trường mới đã được mở ra, đảm bảo nguồn tài nguyên có thể khai thác tiếp trong một kỳ kế hoạch. Tiếp theo (Mỏ Cóc, 9/37 - 7, 21 - 8B, 20-21- 22), Nhà máy tuyển Tằng Loỏng đã hoàn thành lắp đặt hoàn chỉnh 2 dây chuyền còn lại, có thể huy động vào sản xuất đạt công suất thiết kế 900.000 tấn/năm do các Xí nghiệp trong Công ty tự lắp đặt hoàn chỉnh. Nhà máy tuyển Cam Đường đạt và vượt công suất thiết kế 120.000 tấn/năm. Tổ hợp khai thác và tuyển quặng Bắc Nhạc Sơn được đầu tư. Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn công suất 350.000 tấn/năm là Nhà máy có thiết kế hoàn chỉnh nhất, cải tiến nhất, đầu tư các thiết bị thế hệ mới, có các ưu điểm nổi trội so với 2 Nhà máy cũ. Năm 2012 đã chính thức đi vào sản xuất và đến nay Công ty đã làm chủ được công nghệ Tuyển nổi quặng 3. Năm 2007, sau 17 năm của chiến tranh biên giới, tuyến đường sắt Làng Dạ - Mỏ Cóc được khôi phục, khu Mỏ Cóc được khai thác trở lại sau hơn 20 năm ngừng sản xuất và đang là khu sản xuất cung cấp 1 trữ lượng lớn quặng 1, quặng 2 và quặng 3 có hàm lượng P2O5 tốt nhất. Những vấn đề khó khăn về công nghệ khai thác dưới mực nước ngầm đã được giải quyết.
Khai trường khai thác quặng Apatit
Năm 2009 lần đầu tiên ở Việt Nam có tuyến đường sắt đôi, đó là tuyến đường sắt Pom Hán - Làng Vàng dài hơn 10km do Xí nghiệp vận tải Đường sắt của Công ty tự thi công. Hiện tại, Công ty đảm nhận được 100% các công việc của ngành đường sắt (quản lý vận hành, sửa chữa đầu máy toa xe và thi công mới đường sắt) không phải thuê ngoài như trước đây. Đồng thời, toàn bộ hệ thống các công trình phúc lợi của Công ty được đầu tư hoàn chỉnh với chất lượng cao như cụm văn hoá thể thao Cam Đường, Tằng Loỏng, khách sạn Biển Mây. Quặng Apatit đã được xuất sang các nước Ấn Độ, Australia, Malaysia, Nhật Bản, Trung Quốc v.v... Công ty đã thu về hàng trăm triệu đô la, góp phần khắc phục tình trạng nhập siêu và giải quyết nguồn ngoại tệ rất khan hiếm trên thị trường. Công ty đã thực hiện chủ trương đầu tư chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm mới , đã đầu tư vốn hàng trăm tỷ đồng để thành lập các công ty con như: Công ty cổ phần phốt pho vàng Lào Cai, Công ty cổ phần phốt pho Apatit và các công ty liên kết, công ty cổ phần đồng Tả Phời, Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem). Đặc biệt năm 2012, Công ty đã tổ chức tuyển thành công ở quy mô công nghiệp sản phẩm Q2 nghèo và Q4. Đây là một thành tựu to lớn hết sức quan trọng, là điều mong ước của bao thế hệ CBCN Mỏ, nhằm sử dụng triệt để, có hiệu quả nguồn tài nguyên quặng apatit. Nó cũng đánh dấu một trang lịch sử mới cho sự phát triển của Công ty trong tương lai.
Chế biến sản xuất quặng Apatit
Lịch sử của Mỏ Apatit Lào Cai sẽ còn viết tiếp những trang sử mới, kế hoạch 5 năm tiếp theo (2016 - 2020) là phấn đấu tốc độ tăng trưởng nhiệm kỳ bình quân 14%/năm; Tổng doanh thu tăng bình quân 10% năm; Tổng lợi nhuận bình quân đạt ≥ 250 tỷ đồng năm; Hoàn thành tốt nộp ngân sách hằng năm; Đảm bảo thu nhập bình quân: trên 10 triệu đồng/người/tháng; Hoàn thành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo tiến độ và chất lượng, triển khai đầu tư xong dự án nhà máy P4 20.000 tấn/năm và mở rộng giai đoạn 2 nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn , nâng công suất lên 700.000 tấn/năm. Đầu tư dự án Tuyển quặng 2 nghèo và quặng 4. Với kế hoạch 5 năm tiếp theo, căn cứ quy hoạch thăm dò, khai thác và tuyển quặng Apatit đến năm 2020, có tính đến sau 2030 do Thủ tướng đã phê duyệt, chúng ta sẽ phải tiếp tục đầu tư để đảm bảo đến 2020 - 2030, sản lượng sản xuất quặng Apatit phải đạt từ 4,5 triệu - 5 triệu tấn/năm, gấp hai lần so với hiện nay, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất phân bón và hóa chất mà quy hoạch đã dự báo và đề ra.
Sự kiện mang dấu ấn
Từ những chủ trương của Đảng, Nhà nước, của Bộ Công Thương và của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, mục tiêu xây dựng Công ty Apatit Việt Nam là: “sẽ xây dựng Công ty trở thành một Công ty có quy mô sản xuất lớn, trên cơ sở đảm bảo hiệu quả và phát triển bền vững, đáp ứng nguyên liệu quặng Apatit cho các nhà máy chế biến trong Tập đoàn và nhu cầu thị trường; đẩy mạnh chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao, xứng đáng là một Công ty mạnh của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và của tỉnh Lào Cai”, đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công ty Apatit Việt Nam lần thứ 21 - nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Vịnh tặng lẵng hoa chúc mừng Đảng bộ Công ty Apatit Lào CaiSau 60 năm xây dựng và trưởng thành với sự phấn đấu hy sinh không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ công nhân viên, Công ty Apatit Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Thương hiệu Vinaapaco đã được cả nước biết đến và đã phát triển trên trường quốc tế. Từ những cố gắng nổ lực trong suốt chặng đường trên 60 năm, để ghi nhận thành tích của tập thể và các cá nhân, Đảng và Nhà nước đã tặng cho Công ty nhiều phần thưởng cao quý:
Công ty được tặng Huân chương Lao động hạng 1, 2, 3, đặc biệt năm 2009 được tặng thưởng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Năm 2010 được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, và hôm nay chúng ta lại vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống. Đặc biệt là các cá nhân, tập thể được khen tặng với các danh hiệu cao quí: Anh hùng Lao động Nguyễn Quý Khang, chiến sĩ thi đua toàn quốc Phạm Đình Thắc, hàng trăm đồng chí là chiến sĩ thi đua cấp ngành, cấp cơ sở và trên 150 đồng chí được cấp bằng lao động sáng tạo. Nhiều tập thể và cá nhân được tặng Huân chương Lao động và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Thành tựu của hôm nay và mai sau sẽ mãi mãi đúng với khẩu hiệu "Vinh quang thuộc về các thế hệ công nhân Mỏ Apatit Lào Cai" được gắn trang trọng trên tượng đài công nhân Mỏ, một biểu tượng của phẩm chất anh hùng cách mạng còn trường tồn mãi mãi với thời gian.