Bãi thải Nam Đèo Nai đã dừng đổ thải hoàn toàn. Công ty đã tiến hành phục hồi môi trường Bãi thải Nam từ năm 2003 theo dự án “Cải tạo môi trường, cảnh quan khu vực Bãi thải Nam Đèo Nai”. Hiện Bãi thải Nam là nơi có cảnh quan môi trường rất đẹp, được phủ xanh với nhiều loại cây trồng đa dạng, phong phú như: keo tai tượng, phi lao, thông, muồng, hoa giấy. Riêng môi trường Bãi thải Mông Giăng đang trong giai đoạn cải tạo phục hồi, được phân thành các tầng có chiều cao từ 25 đến 30m, trồng các loại keo lá tràm, phi lao. Với diện tích rừng trồng như vậy, khu vực này có thực bì phát triển rất dày, xen lẫn cây cỏ, đồng thời chịu tác động của gió thổi từ biển vào, nên về mùa khô từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.
Nhận thức được điều đó, hàng năm Công ty đã chủ động xây dựng các phương án và biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô, diễn tập và xây dựng các tình huống cháy giả định. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng đến toàn bộ CBCNV, cắm các biển cấm lửa tại những khu vực dễ xảy cháy để đề cao cảnh giác. Tổ chức phát quang, dọn sạch thực bì dọc các tuyến đường liên lạc, các lối mòn với khoảng cách 5m. Tổ chức tưới nước trong những tháng cao điểm của mùa khô để làm giảm nguy cơ tại một số khu vực có nguy cơ cháy cao như: Dọc tuyến đường bê tông trên đê số 1, một số tầng từ mức +10 đến +150 bãi thải Nam và các khu vực xung quanh các công trường, phân xưởng.
Phân công lực lượng bảo vệ thường xuyên tuần tra canh gác, cấm người không có nhiệm vụ vào trong ranh giới các khu vực rừng trồng để hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi đốt phá rừng. Công ty đã giao nhiệm vụ cảnh giới cháy, phát hiện sớm các đám cháy để triển khai các biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả cho lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ, nhằm giảm thiểu thiệt hại do cháy gây ra. Củng cố san gạt các tuyến đường liên lạc tới các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao. Các công trường, phân xưởng phải thường xuyên kiểm tra các dụng cụ phòng cháy, chữa cháy đảm bảo đủ, tốt để sử dụng khi cần thiết.
Để nâng cao công tác chữa cháy, Công ty đã quy định khi phát hiện ra đám cháy, người phát hiện phải ngay lập tức thông báo cho phòng Điều khiển sản xuất, phòng Bảo vệ quân sự, phân xưởng vận tải 8. Khi phát hiện đám cháy ở gần khu vực công trường, phân xưởng nào thì báo ngay cho đơn vị đó để triển khai công tác chữa cháy kịp thời. Công ty đã quy định lực lượng chữa cháy tại chỗ gồm: Lực lượng bảo vệ tại hiện trường khu vực phát hiện ra đám cháy; Lực lượng cán bộ công nhân tại các công trường, phân xưởng gần nơi xảy ra đám cháy; Lực lượng chữa cháy của phân xưởng vận tải 8 bao gồm người và thiết bị chữa cháy; Tất cả những người đang ở gần khu vực đám cháy đều có trách nhiệm tham gia chữa cháy, Lực lượng lao động khi có lệnh huy động tham gia chữa cháy phải mang theo các dụng cụ chữa cháy đã được chuẩn bị sẵn như: xô, thùng múc nước, bình chữa cháy, xẻng, dao rựa để tích cực tham gia chữa cháy.
Giữ vai trò điều động các lực lượng chữa cháy và chỉ huy chung là phòng Điều khiển sản xuất, Phòng này có trách nhiệm huy động các lực lượng chữa cháy của Công ty để triển khai các biện pháp chữa cháy cụ thể. Ngoài ra, trong những trường hợp cần thiết, phòng Điều khiển sản xuất có thể thông báo cho Trung tâm cấp cứu mỏ khu vực Cẩm Phả hoặc đơn vị cảnh sát chữa cháy, hiện nay Công ty bố trí 03 xe có dung tích chứa nước từ 13 đến 20 m3 trực chữa cháy trong 3 ca sản xuất. Khi cần thiết có thể huy động thêm 13 xe chở nước tưới đường dập bụi để cung cấp nước chữa cháy, nguồn nước dùng cho công tác chữa cháy được bơm chứa trong các téc lớn. Hàng năm Công ty đã chi khoảng trên một tỷ đồng cho việc đầu tư, thay thế những trang thiết bị, dụng cụ dùng cho công tác phòng cháy, chữa cháy nói chung.
Nhiều năm qua, các vạt rừng thuộc ranh giới quản lý của Công ty chưa xảy ra vụ cháy nào. Rừng cây của Công ty luôn phát triển xanh tốt, góp phần điều hòa khí hậu, làm cho môi trường trong lành, chống ô nhiễm, giảm tiếng ồn, giúp tránh được những nguy hại cho sức khỏe của CBCNV.