Công ty CP Cơ khí và Thiết bị áp lực – VVMI: Nghĩ về sự phát triển bền vững

Nhiều năm liền, Công ty CP Cơ khí và Thiết bị áp lực là một trong những đơn vị vinh dự được Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc (VVMI) tặng Cờ Thi đua về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh do

Đi vững bằng “hai chân”

Năm 2012 và 5 tháng đầu năm 2013, diễn biến của nền kinh tế trong nước và thế giới hết sức phức tạp, cạnh tranh ngày một khốc liệt, nhất là cạnh tranh về giá dịch vụ. Tại Công ty CP Cơ khí và Thiết bị áp lực, do có sự nỗ lực phấn đấu của tập thể CBCNV nên hoạt động sản xuất, kinh doanh đều ổn định, thu nhập, lợi nhuận cơ bản được đảm bảo. Năm 2012, tổng doanh thu đạt 355,6 tỷ đồng, bằng 111% kế hoạch, trong đó, sản xuất là 177 tỷ đồng, kinh doanh là 178,6 tỷ đồng. Tiền lương bình quân đạt 6,9 triệu đồng/người/tháng. 5 tháng đầu năm 2013, tổng doanh thu đạt 155 tỷ đồng, trong đó, sản xuất 70,6 tỷ đồng, kinh doanh 84,5 tỷ đồng. Tiền lương bình quân 6,3 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù tình hình chung là rất khó khăn, song Công ty vẫn cố gắng duy trì được việc làm với mức thu nhập tương đối ổn định cho người lao động, thực hiện đạt các chỉ tiêu mà kế hoạch đã đề ra.

Sản xuất phụ kiện hầm lò là một trong thế mạnh của Công ty

Giám đốc Đỗ Huy Hùng chia sẻ: “Có được kết quả này là do Công ty đã thực hiện thành công 4 nhiệm vụ bao gồm: Công tác tổ chức, lao động tiền lương, khoán quản trị chi phí và kế toán tài chính”. Về công tác tổ chức, trong những năm qua, Công ty đã tổ chức, sắp xếp và bố trí lại bộ máy quản lý ở các phòng ban, phân xưởng theo phương thức cắt giảm biên chế ở các bộ phận quản lý gián tiếp và các bộ phận phục vụ, phụ trợ. Bên cạnh đó là mở thêm các phòng làm nhiệm vụ khai thác thị trường tìm kiếm việc làm và kinh doanh thương mại. Cụ thể là giảm biên chế ở phòng kế hoạch, kỹ thuật để chuyển sang làm kinh doanh tự trang trải tiền lương. Nhờ vậy, mục đích giảm chi phí quản lý, tạo sự công bằng tương đối trong nội bộ, khuyến khích mọi người làm việc đã được Công ty thực hiện tốt. Tiếp theo, trong công tác lao động tiền lương, người lao động trực tiếp được trả lương sản phẩm theo định mức nội bộ Công ty, cán bộ làm công tác kinh doanh được tính theo tỷ lệ doanh thu có gắn với hiệu quả kinh doanh. Đối với cán bộ quản lý phân xưởng, tiền lương được tính theo tỷ lệ phần trăm tiền lương công nhân trực tiếp phân xưởng. Với cán bộ quản lý công ty thì tiền lương được tính theo tỷ lệ phần trăm của tổng tiền lương của các bộ phận sản xuất và kinh doanh.

Là một đơn vị cung ứng các sản phẩm và dịch vụ cơ khí theo yêu cầu của các đơn vị trong Tập đoàn, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản VN, Công ty thực hiện giảm giá bán một số sản phẩm với mức 5%. 5% này nhìn thì không lớn song thực tế việc giảm giá này đã ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty. Để tồn tại, duy trì và phát triển, Công ty buộc phải có chế độ chính sách giao khoán và đãi ngộ hợp lý cho các bộ phận xây dựng và khai thác thị trường bán hàng. Đây chính là giải pháp mang tính cơ bản của Công ty, bởi đây là hai “mảng” quan trọng nhất đối với sự tồn tại của một đơn vị trong cơ chế thị trường.

Cũng nói thêm là Công ty đã quan tâm đặc biệt đến công tác thu hồi công nợ không để phát sinh nợ xấu, nợ khó đòi hoặc mất nợ gây thiệt hại đến tài chính Công ty.

Nhưng còn nhiều trăn trở

Mặc dù nhiều năm qua Công ty CP Cơ khí và thiết bị áp lực luôn là đơn vị hoàn thành tốt mọi mục tiêu đề ra, kết quả sản xuất, kinh doanh đều đạt và vượt mức kế hoạch, tuy nhiên, nếu nhìn xa và rộng hơn, có thể thấy được những khó khăn và những lo lắng về sự phát triển thiếu bền vững không phải là không có cơ sở.

Giám đốc Hùng cho biết: “Nhiều năm qua, việc làm của Công ty không ổn định do phụ thuộc rất nhiều vào kế hoạch chung của Tổng công ty và Tập đoàn. Công ty chưa xây dựng được cho mình một số sản phẩm ổn định mà còn phụ thuộc vào tìm kiếm việc làm thông qua đấu thầu, ngoại giao.v.v… cho nên công việc còn khá bấp bênh”. Là một đơn vị nhỏ, năng lực sản xuất và năng lực tài chính hạn chế nên khả năng tham gia các công trình lớn, độc lập là không thể; do đó, khả năng cạnh tranh còn yếu. Thêm vào đó, các chính sách thuế của Nhà nước biến động khó lường như tiền thuê đất hiện nay của Công ty tăng 13 lần so với năm 2010.

Để có được sự phát triển lâu dài, Công ty cần phải mở rộng thêm sản xuất, muốn vậy phải đầu tư thêm thiết bị, đây là một việc rất khó thực hiện trong bối cảnh tài chính khó khăn như hiện nay. Vì vậy, trước mắt, Công ty CP Cơ khí và Thiết bị áp lực vẫn phải chờ đợi.

Thiết kế chế tạo băng tải than cho các đơn vj trong ngành Than

Tuy nhiên, trong cái khó cũng ló ra những cơ hội. “Một trong những việc “đau đầu” nhất đối với tất cả các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh là giải quyết những khoản nợ. Đây chính là thách thức và cũng chính là cơ hội đối với các doanh nghiệp nhỏ. Trong kinh doanh, biết áp dụng phương pháp “cương nhu phải lúc” thì không lo gì thất bại”- Giám đốc Hùng chia sẻ.