Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà: Gặp khó khăn trong đầu tư công nghệ nhiệt phân

Ở Việt Nam, công nghệ nhiệt phân cao su phế thải thành dầu, than cacbon đen, khí gas... mới được manh nha vài năm trở lại đây. Và tiên phong cho sứ mệnh đó là Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà (Công ty

Do nhu cầu sử dụng năng lượng (dầu, than, điện) tăng cao, đặc biệt nhu cầu than, dầu diesel trong sản xuất gạch ốp lát rất lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích ứng, tìm ra lối thoát riêng cho mình để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đứng trước những thách thức đó, Công ty CTH đã quyết định đầu tư hai dây chuyền nhiệt phân cao su, săm lốp phế thải thành dầu FO – R, than cacbon đen, khí gas... để thay thế cho việc nhập than đá và dầu diesel ở trong nước. Sau một thời gian tìm hiểu công nghệ, Công ty CTH đã quyết định “cõng” dây chuyền đó về với Phú Thọ và được lắp đặt ngay trong khuôn viên của Nhà máy.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Trung Thành, Phó Giám đốc Công ty CTH, Phụ trách dự án cho biết: Đây là một quy trình xử lý khép kín, không gây ô nhiễm môi trường, sản phẩm đầu ra được sử dụng triệt để: Dầu FO – R dùng để nung gạch, thép phế liệu thu được bán cho các nhà máy làm nguyên liệu sản xuất thép, than cacbon đen dùng thay thế than cám hoặc làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung vì có tính chất bền cơ lý, còn khí gas sinh ra trong quá trình nhiệt phân có thể đưa vào hệ thống tích áp dùng lại cho lò nhiệt phân và sử dụng cho lò sấy gạch.

                  
                              Duy trì nguồn nhiệt cho lò nhiệt phân cao su, săm lốp phế thải
Mục sở thị, phóng viên được biết công nghệ nhiệt phân cao su phế thải rất an toàn và đem lại lợi ích kinh tế, môi trường rất lớn. Thứ nhất, không phát tán bụi ra môi trường xung quanh như lò đốt than đá, ít khói so với đốt dầu diesel và mùi khét của cao su gần như được khống chế do quá trình nhiệt phân cao su phế thải đều trong môi trường chân không. Thứ hai, ở nước ta, nguyên liệu than đá, điện, dầu diesel gần đây tăng rất cao, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu rẻ hơn, an toàn hơn để phục vụ quá trình sấy, nung đốt gạch và sẽ có lợi thế về giá, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thứ ba, việc thu mua cao su phế liệu để tái chế thành “vàng đen” đã góp phần bảo vệ môi trường, trên thực tế săm lốp ô tô, cao su phế thải hiện nay Việt Nam đưa vào tái chế còn rất ít, nếu như công nghệ này được nhân rộng thì hiệu quả về bảo vệ môi trường là rất to lớn.

Được biết, dây chuyền nhiệt phân cao su phế thải của Công ty CTH đã đạt chuẩn của thế giới: Tỷ lệ chiết xuất dầu FO – R đạt 40%, than cacbon đen 20 – 25%, còn lại là khí gas và sắt phế liệu. Một tháng Công ty CTH phải nhập tới 400 tấn cao su và lốp phế thải, với giá thị trường 3,5 ngàn đồng/kg thì mới đáp ứng được 100% công suất hoạt động của dây chuyền nhiệt phân. Theo ông Lê Mạnh Tiến, Giám đốc Xí nghiệp nhiệt phân cao su phế thải của Công ty CTH: Quá trình vận hành hai dây chuyền, công nhân phải tuân thủ tuyệt đối kỹ thuật, bởi trong quá trình nhiệt phân chỉ cần oxi lọt vào thì rất dễ gây cháy nổ và quy trình cấp nhiệt cho lò cũng phải tuân thủ theo hướng dẫn như: Không cấp gỗ ướt, thanh cao su... bởi dễ tạo ra khói nhiều gây ảnh hưởng tới môi trường. Trung bình, tổng thời gian của quá trình nhiệt phân mất khoảng 11 giờ và kết quả thu được: 2.500 lít dầu FO – R/1 dây chuyền, than các bon đen khoảng 1 tấn, sắt phế liệu trên 1 tấn và khí gas. Theo tính toán của Công ty CTH nếu hai dây chuyền hoạt động ổn định, mỗi một năm Công ty tiết kiệm được trên 18 tỷ đồng nhờ nguyên liệu dầu FO – R không ăn mòn thiết bị và tiết kiệm cho đất nước hàng chục nghìn tấn than đá và dầu diesel.

Ở ViệtNam nhóm nghiên cứu của Viện vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) do TS. Mai Ngọc Tâm đứng đầu đã thành công trong nghiên cứu công nghệ nhiệt phân cao su phế thải thành dầu công nghiệp góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường do loại rác thải độc hại này. Kết quả phân tích tại lò nhiệt phân cao su của Viện Nhiệt đới và bảo vệ môi trường về khí thải cho thấy khói của dầu này trong quá trình nhiệt phân không gây ô nhiễm môi trường. Các chỉ tiêu phân tích nồng độ các tạp chất N0x, C02, C0, bụi của lò nhiệt phân cũng đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng không khí – tiêu chuẩn chất thải công nghiệp. Công nghệ này đã được chuyển giao và áp dụng tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang được các cơ quan chức năng xác nhận là công nghệ thân thiện với môi trường cho phép nhân rộng và được Quỹ bảo vệ môi trường tạo điều kiện cho vay vốn phát triển dự án.

Nhiều người dân sống xung quanh Nhà máy cho biết, trước đây khi Công ty CTH vận hành lò nhiệt phân cao su phế thải đã gây tràn dầu, rò rỉ khí gas, phát tán mùi khét ra bên ngoài, nhưng gần đây không còn thấy tình trạng này diễn ra. Giải thích về vấn đề này, ông Thành cho biết: Sự cố tràn dầu, rò rỉ khí gas là do trời mưa lớn, lượng dầu FO – R trong bể và quá trình chưng thu khí gas bị rò rỉ nên đã xảy ra tình trạng trên và Công ty đã bồi thường thỏa đáng. Còn phát tán mùi ra bên ngoài thì đã được khắc phục triệt để. Ông Thành còn khẳng định: Sắp tới Công ty CTH sẽ đầu tư thêm hệ thống máy hút bụi cacbon, khi đó chắc chắn bụi sẽ không còn cơ hội phát tán ra bên ngoài.

                                                                           Thành phẩm than cacbon đen

Hiện nay, hai dây chuyền nhiệt phân của Công ty CTH đã được nhiều Sở, ban ngành của tỉnh Phú Thọ đánh giá cao và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ còn gửi công văn số 670/TNMT-MT, ngày 17/4/2012 báo cáo UBND tỉnh Phú Thọ về việc thực hiện thay thế nhiên liệu khí hóa than bằng nhiên liệu được chiết xuất từ săm lốp cao su phế thải trong sản xuất gạch của Công ty CTH, nhưng không hiểu vì lý do gì mà tới nay UBND tỉnh Phú Thọ vẫn chưa ra thông báo? Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc đầu tư hoàn thiện hai dây chuyền của Công ty CTH bị chậm chễ. Ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty CTH cho biết: Chúng tôi đang đợi nguồn vốn từ quỹ môi trường của Hàn Quốc để tiếp tục đầu tư thêm 8 dầy chuyền nhiệt phân cao su phế thải phục vụ cho hoạt động của Nhà máy và bán than cacbon đen cho thị trường trong nước. Ngoài ra, do chậm trễ về cơ chế nên đến nay Công ty CTH vẫn chưa tiếp cận được với nguồn vốn của Quỹ bảo vệ môi trường, chương trình phát triển năng lượng, công nghệ mới từ nhiều Bộ, ngành Trung ương.