Chỉ số giá tiêu dùng ở Trung Quốc tăng trong tháng thứ năm liên tiếp trong tháng 6 vừa qua nhưng không đạt kỳ vọng trong khi tình trạng giảm phát giá sản xuất vẫn tiếp diễn. Lo ngại về thị trường nhà ở suy thoái và không đảm bảo công việc cho người lao động là một số nguyên nhân quan trọng khiến kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm chạp sau đại dịch Covid-19.
Lạm phát vẫn được kiềm chế
Số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 10/7 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc, một thước đo chính về lạm phát, duy trì đà tăng trong tháng thứ năm liên tiếp khi tăng 0,2% trong tháng 6/2024 so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù vẫn ở mức tăng trưởng dương nhưng việc chỉ số CPI ở mức thấp nhất trong ba tháng sau khi tăng 0,3% vào tháng 5/2024 cho thấy xu hướng giảm phát ở Trung Quốc vẫn đang diễn ra, chủ yếu do nhu cầu trong nước yếu.
"Tình trạng giảm phát giá thực phẩm tại Trung Quốc đang ngày càng trầm trọng, giá thịt lợn tăng mạnh nhưng giá trái cây và rau quả đều giảm, kéo lạm phát thực phẩm nói chung xuống", các chuyên gia nhận định.
Thống kê của NBS cho thấy, giá thực phẩm ở Trung Quốc giảm trong tháng 6 cho dù xảy ra sự gián đoạn nguồn cung do thời tiết xấu trong mùa hè, phản ánh nhu cầu thực phẩm yếu. So với cùng kỳ năm ngoái, giá thực phẩm giảm 2,1% và giảm 2% trong tháng 5. Đáng chú ý, giá rau tươi giảm 7,3% sau khi tăng 2,3% trong tháng 5. Giá trái cây tươi giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi giảm 6,7% trong tháng 5.
CPI cơ bản (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm) tăng 0,6% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, không thay đổi so với mức tăng của tháng 5.
Lynn Song, Nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Quốc tại Tập đoàn ngân hàng - tài chính đa quốc gia ING cho biết, lạm phát phi thực phẩm tiếp tục giảm ở một số hạng mục, bao gồm xe cộ, đồ gia dụng và thiết bị truyền thông, trong khi tiền thuê nhà và giá năng lượng cũng giảm.
Trong khi đó, lạm phát dịch vụ chứng kiến tốc độ tăng trưởng theo năm chậm lại còn 0,7% trong tháng 6 từ mức 0,8% của tháng 5.
Chỉ số giá sản xuất được cải thiện
Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc - thước đo chi phí sản xuất hàng hóa tại nhà máy - đã cải thiện sau khi giảm 1,4 phần trăm vào tháng 5 xuống mức âm 0,8 phần trăm vào tháng 6, đạt mức cao nhất trong 17 tháng. Tính theo tháng, chỉ số giá sản xuất đã giảm 0,2 phần trăm vào tháng 6, đảo ngược mức tăng của tháng 5.
Hãng nghiên cứu kinh tế Capital Economics cho biết, mức giảm 0,7% theo tháng của giá đầu ra hàng tiêu dùng lâu bền là mức giảm lớn nhất được ghi nhận, trong đó "một yếu tố lớn" là giá ô tô giảm nhanh chóng.
Chỉ số CPI tháng 6/2024 được công bố đã kéo chỉ số Thượng Hải Composite trên sàn Giao dịch chứng khoán Thượng Hải (SSE) giảm và tỷ giá nhân dân tệ so với USD cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng.
Dự báo Trung Quốc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ
Các nhà phân tích tại Capital Economics dự đoán CPI của Trung Quốc sẽ tăng nhẹ trong những tháng tới, nhưng tình trạng dư thừa năng lực sản xuất ngày càng trầm trọng sẽ khiến CPI ở mức rất thấp.
“Chúng tôi vẫn thấy một số mặt tích cực của chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng tới vì nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi theo chu kỳ. Tuy nhiên, sự sụt giảm sâu hơn về giá sản xuất hàng tiêu dùng lâu bền nhấn mạnh rằng năng lực sản xuất dư thừa vẫn là một vấn đề ngày càng tồi tệ hơn. Việc chính sách của Chính phủ Trung Quốc vẫn ưu tiên đầu tư sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề. Điều này sẽ tiếp tục gây áp lực lên lạm phát và chúng tôi cho rằng CPI của Trung Quốc trong năm nay sẽ chỉ tăng 0,5 phần trăm so với cùng kỳ năm trước”, các chuyên gia tại Capital Economics nhận định.
Trong khi đó, theo Nhật báo South China Morning Post, các chuyên gia tại ING lạc quan hơn với kỳ vọng giá sản xuất, vốn vẫn trong tình trạng giảm phát kể từ tháng 9/2022 sẽ thoát khỏi tình trạng giảm phát trong nửa cuối năm nếu quỹ đạo hiện tại vẫn giữ nguyên.
Tuy nhiên, lạm phát yếu và dữ liệu tín dụng yếu vẫn là lý do thuyết phục để Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới.
“Mặc dù PBOC có thể đã kiềm chế việc cắt giảm lãi suất để tránh gia tăng áp lực mất giá đồng nhân dân tệ, chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy 1 - 2 lần cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm, với khả năng cắt giảm mạnh hơn nếu Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất”, Nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Quốc tại ING dự báo.
Thời gian qua, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc liên tục kêu gọi người dân “dám chi tiêu” nhưng không nhận được nhiều sự hưởng ứng tích cực. Điều này cho thấy cần có nhiều biện pháp kích cầu mạnh tay hơn, không chỉ là các khoản trợ cấp nhỏ lẻ như đổi cũ lấy mới đối với ô tô và các mặt hàng tiêu dùng như trước đây để đối mặt với việc các hộ gia đình và công ty ngày càng hạn chế vay mượn, chi tiêu.