Lợi nhuận quý 4/2024 có thể vượt 1.000 tỷ đồng
Trong quý 3/2024, giá dầu thô bất ngờ đảo chiều mạnh, gây bất lợi cho ngành công nghiệp lọc dầu trên toàn cầu. Crack spread (mức chênh lệch giữa giá dầu thô với giá sản phẩm dầu thành phẩm) trên thế giới chỉ còn đạt trung bình 10,5 USD/thùng đối với xăng và 17,4 USD/thùng đối với dầu diesel, tương ứng giảm 32% và giảm 53% so với cùng kỳ năm 2023. Giá dầu thô thế giới giảm cũng khiến giá bán các sản phẩm xăng dầu tại Việt Nam điều chỉnh giảm theo.
Đây là những nguyên nhân khiến Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR - sàn UPCoM) lỗ sau thuế 1.209 tỷ đồng trong quý 3/2024, so với mức lãi 3.620 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 674 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 58% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Vừa qua, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất của Lọc Hóa dầu Bình Sơn đã cán mốc sản lượng kế hoạch năm nay, đạt 5,73 triệu tấn, về đích sớm 43 ngày so với kế hoạch. Theo đó, Lọc Hóa dầu Bình Sơn dự kiến sản lượng cả năm nay sẽ tăng 15% so với kế hoạch ban đầu.
Ban lãnh đạo Lọc Hóa dầu Bình Sơn cũng cho biết nhằm bù đắp việc 50 ngày tạm ngưng hoạt động trong đợt bảo dưỡng tổng thể lần 5 (TA5), sau bảo dưỡng, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã được vận hành ở mức 114% công suất thiết kế. Công ty sẽ vận hành linh hoạt đảm bảo hiệu quả tối ưu và có sẵn kịch bản nhập dầu thô để vận hành nhà máy với công suất tối đa nhằm tối đa hóa lợi nhuận khi giá dầu thô và crack spread có sự cải thiện trở lại.
Công ty cũng đã nghiên cứu và áp dụng thành công việc tăng sản lượng các sản phẩm có giá trị cao (như ADO, Jet - A1, PP) và tăng tỷ lệ sản phẩm xăng Mogas 95/Mogas 92 từ 40%/60% theo thiết kế ban đầu lên trên 70%/30%. Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp cải tiến để tăng tỷ lệ xăng Mogas 95, để tối ưu cơ cấu sản phẩm, giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Ngoài ra, Lọc Hóa dầu Bình Sơn sẽ duy trì tồn kho ở mức hợp lý để giảm thiểu rủi ro, giảm giá hàng tồn kho, đẩy mạnh công tác bán hàng và áp dụng chính sách bán hàng linh hoạt để hạn chế ảnh hưởng trong trường hợp giá dầu thô giảm.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Vietcombank, lợi nhuận quý 4/2024 của Lọc Hóa dầu Bình Sơn sẽ bật tăng mạnh khi crack spread hồi phục, dự báo đạt 1.152 tỷ đồng. Quý 4 cũng là cao điểm của ngành hàng không và mùa lễ hội lớn trong năm sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đối với xăng máy bay (Jet A1) và sản phẩm dầu Diesel (DO). Qua đó, lãi ròng cả năm nay của Lọc Hóa dầu Bình Sơn có thể đạt 1.826 tỷ đồng.
Kỳ vọng crack spread duy trì ổn định trong năm 2025
Đối với năm 2025, Chứng khoán Vietcombank đánh giá crack spread sẽ duy trì ổn định và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong nước tăng trưởng tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của Lọc Hóa dầu Bình Sơn.
Cụ thể, theo cập nhật mới nhất của Cơ quan Năng lượng quốc tế (EIA), những rủi ro địa chính trị đang diễn ra và việc dự trữ dầu toàn cầu giảm do việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ đẩy giá dầu thô tăng trở lại với giá dầu thô Brent dự báo đạt trung bình 78 USD/thùng trong quý 1/2025.
Tuy nhiên, OPEC+ và các quốc gia ngoài OPEC+ có thể tăng cường sản xuất trong nửa cuối năm sau, khiến giá dầu thô Brent giảm về mức trung bình 74 USD/thùng trong nửa cuối năm 2025.
Hãng nghiên cứu thị trường Platts nhận định crack spread sẽ biến động đồng pha với giá dầu thô và sẽ được cải thiện trong nửa đầu năm 2025, tăng 11-15% so với quý 4/2024.
Các hoạt động kinh tế đang tăng tốc hồi phục, kéo theo đó là nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong nước. Sản xuất công nghiệp gia tăng sẽ thúc đẩy đáng kể nhu cầu sử dụng dầu nhiên liệu và dầu diesel dùng trong vận tải và máy móc.
Đồng thời, xu hướng chuyển đổi từ xe máy sang ô tô sẽ là cú hích cho tăng trưởng của Lọc Hóa dầu Bình Sơn trong những năm tới đây. Số lượng ô tô và xe máy tại Việt Nam được dự báo tăng trưởng với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm đạt 18% đối với ô tô và 6% đối với xe máy trong giai đoạn 2023 - 2028.
Trong trung hạn, kết quả kinh doanh của Lọc Hóa dầu Bình Sơn sẽ được thúc đẩy từ Dự án mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Cuối tháng 3/2024, công ty đã phê duyệt điều chỉnh Dự án và bắt đầu triển khai từ quý 2/2024.
Cao điểm giải ngân xây dựng sẽ diễn ra trong năm 2025 với tiến độ thực hiện dự án dự kiến là 37 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng EPC. Dự kiến dự án sẽ đưa vào vận hành trong quý 3/2028. Sau khi hoàn thành, công suất chế biến dầu thô của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ tăng thêm 15% và sản phẩm đầu ra sẽ đạt chuẩn Euro III-IV.