Công ty Cổ phần Container Việt Nam (mã cổ phiếu VSC - sàn HoSE) vừa cho biết đã mua vào thành công hơn 1,24 triệu cổ phiếu HAH của Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An vào ngày 19/4.
Qua đó, số lượng cổ phiếu HAH thuộc sở hữu của Container Việt Nam tăng lên mức gần 7 triệu đơn vị, tương ứng 6,63% vốn cổ phần của Xếp dỡ Hải An.
Vào ngày 19/4, giá đóng cửa của cổ phiếu HAH đạt 38.050 đồng/cổ phiếu. Tạm ước tính theo mức giá này, Container Việt Nam có thể đã phải bỏ ra khoảng 47 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ trên.
Container Việt Nam chính thức trở thành cổ đông lớn của Xếp dỡ Hải An kể từ cuối tháng 1/2023 sau khi mua vào hơn 2,15 triệu cổ phiếu HAH để tăng tỷ lệ sở hữu lên mức 5,27 triệu cổ phiếu HAH, tương ứng 5% vốn điều lệ.
Vào ngày 26/4 tới đây, Xếp dỡ Hải An sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Trong năm nay, doanh nghiệp vận tải & cảng biển này lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu khai thác 1,4 triệu TEU, doanh thu dự kiến 3.502 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2023, nhưng lợi nhuận sau thuế lại dự kiến giảm 5%, còn 340 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 10% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu.
Xếp dỡ Hải An dự kiến sẽ tiếp nhận thêm 02 tàu đóng mới có trọng tải 1.800 TEU/tàu trong năm nay. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng tục thực hiện dự án đầu tư cảng, Depot tại khu vực Cái Mép với quy mô đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.
Về phía Container Việt Nam, doanh nghiệp này dự kiến sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vào ngày 29/4. Trong năm nay, Container Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.450 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng, lần lượt tăng 11,5% và 20,8% so với thực hiện năm 2023. Cổ tức năm 2023 dự kiến 7,5% bằng cổ phiếu.
Đáng chú ý, Container Việt Nam dự kiến sẽ trình cổ đông xem xét kế hoạch nhận chuyển nhượng vốn góp từ các thành viên góp vốn của Công ty TNHH Cảng Nam Hải - Đình Vũ để nâng tỷ lệ sở hữu tại Cảng Nam Hải - Đình Vũ lên tới 100%.
Nếu kế hoạch M&A trên được thực hiện thành công, Cảng Nam Hải - Đình Vũ sẽ chuyển từ công ty liên kết thành công ty con của Container Việt Nam. Đồng thời, Container Việt Nam sẽ trở thành doanh nghiệp cảng biển lớn nhất Hải Phòng, với công suất khoảng 2,6 triệu TEU (tăng 36% so với năm 2022) và chiếm 30% thị phần khu vực.
Như vậy, có thể thấy động thái gia tăng tỷ lệ chi phối tại Xếp dỡ Hải An của của Container Việt Nam là nhằm củng cố hệ sinh thái, tăng cường năng lực khai thác tại cụm cảng Hải Phòng.
Xếp dỡ Hải An hiện có 12 tàu chở container, chiếm khoảng 40% tổng sức chở của đội tàu container cả nước và có định hướng tập trung khai thác các tuyến Nội Á. Đồng thời, doanh nghiệp này còn đang sở hữu Cảng Hải An nằm trên Sông Cấm, một trong những cảng nước sâu của Hải Phòng, có chiều dài cầu tàu 150 m với công suất thiết kế 250.000 TEU/năm.
Cảng Hải An chủ yếu phục vụ cho chính đội tàu của công ty và các đối tác của Xếp dỡ Hải An. Sau khi cầu Bạch Đằng được xây dựng, cảng Hải An đã mất nhiều đối tác, nhưng sản lượng khai thác qua cảng vẫn liên tục vượt công suất thiết kế những năm gần đây.