Cuộc đời kỳ lạ của tỷ phú George Soros

Nắm trong tay khối tài sản ròng trị giá 25,2 tỷ USD tính đến tháng 5-2017 và nằm trong số 30 người giàu có nhất thế giới theo xếp loại của Bloomberg, George Soros được mệnh danh là nhà đầu tư thiên tà

Tuy nhiên, chặng đường đến với vinh quang của nhà tỷ phú 87 tuổi này không hề trải hoa hồng. Đằng sau sự khôn ngoan, lão luyện trên thương trường là câu chuyện về cuộc đời kỳ lạ, về bản lĩnh vững vàng và tinh thần vượt khó vươn lên của ông, trong hành trình từ một cậu bé tị nạn gốc Do Thái trở thành tỷ phú của nước Mỹ phồn hoa.

Nhắc đến cái tên George Soros, người ta không còn xa lạ với hình ảnh nhà đầu tư thiên tài với mái tóc muối tiêu, khuôn mặt thâm trầm và là chủ nhân của những câu nói nổi tiếng như: “Tôi giàu có vì tôi biết khi nào mình sai. Tôi tồn tại nhờ nhận ra các sai lầm của mình” hay “Nếu phải tóm tắt các kỹ năng của mình, tôi sẽ tóm gọn trong một từ: sinh tồn. Và điều hành một quỹ đầu cơ đã tạo cơ hội để tôi vận dụng tối đa kỹ năng này.”

George Soros là người gốc Do Thái, sinh ra năm 1930 ở Hungary. Tuổi thơ của ông chìm trong những ngày tháng đen tối khi phải chứng kiến cảnh phát xít Đức tàn sát người Do Thái trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Cả gia đình ông đã phải chạy trốn khỏi sự chiếm đóng của Đức quốc xã bằng giấy tờ tùy thân giả. Không những thế, gia đình George Soros còn giúp đỡ nhiều người Do Thái khác chạy trốn sự tàn sát nhờ phương pháp này. Chính những tháng ngày dữ dội và khốc liệt đó đã rèn giũa ở cậu bé Soros một bản lĩnh vững vàng và ý chí mạnh mẽ. Sau này, khi nhớ về những năm tháng tuổi thơ, George Soros đã nói rằng: “Thay vì tự nộp mình cho số phận, chúng tôi đã chống lại thế lực tàn bạo vốn mạnh hơn chúng tôi nhiều lần, và chúng tôi đã chiến thắng. Chúng tôi không chỉ sống sót, mà còn có thể giúp đỡ những người khác”.

Năm 1947, cậu thiếu niên George Soros một mình đến London, bắt đầu một cuộc sống khốn khó nơi đất khách quê người. Để có tiền trang trải cuộc sống và hoàn thành việc học ở Trường Kinh tế London, George Soros đã phải làm các công việc bán thời gian như nhân viên đường sắt, bồi bàn tại một hộp đêm… Sau khi tốt nghiệp, ông bắt đầu thấm thía sự khắc nghiệt của trường đời khi liên tục thất bại trong việc nộp đơn xin phỏng vấn ở các ngân hàng thương mại tại London. Chỉ một, hai ngân hàng phản hồi lại thư của ông. Không nản lòng, năm 1956, Soros đến Mỹ và bắt đầu sự nghiệp trong ngành tài chính và đầu tư. Năm 1970, Công ty Quản lý tài chính Soros (Soros Fund Management) do ông sáng lập ra đời. Bằng sự can đảm và nhạy bén trong đầu tư của mình, ông cùng hai cộng sự là Jim Rogers và Stanley Druckenmiller đã điều hành quỹ thành công, quỹ này lớn mạnh và được đổi thành Quỹ Soros Quantum (Soros Quantum Fund), với tỷ suất lợi nhuận bình quân đạt 30% mỗi năm. Nếu đầu tư 1.000 USD vào quỹ này năm 1969, ta sẽ thu về 4 triệu USD vào năm 2000.

Nhắc đến sự nghiệp của George Soros, gần như ngay lập tức, người ta nghĩ đến sự kiện “thứ tư đen tối”, sự kiện diễn ra ngày 16/9/1992, làm khuynh đảo toàn châu Âu và mang đến cho ông biệt danh “người phá sập Ngân hàng trung ương Anh”. Năm 1992, vận dụng những kinh nghiệm dự đoán về diễn biến thị trường thế giới, George Soros đã đưa ra một quyết định vô cùng liều lĩnh và táo bạo: ông vay hàng tỷ Bảng Anh để mua Mác Đức, bởi ông tin rằng, trong bối cảnh kinh tế nước Anh lúc đó đang suy yếu với tỷ lệ thất nghiệp cao, thì việc đồng Bảng Anh sụt giá là điều không tránh khỏi. Và mọi chuyện diễn ra như những gì ông dự đoán. Đồng Bảng Anh rớt giá thảm hại mặc cho Ngân hàng Trung ương Anh cố gắng bảo vệ tỷ giá cố định, song cuối cùng, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Anh đành thả nổi đồng Bảng, chấp nhận rút khỏi Hệ thống tỷ giá hối đoái châu Âu (ERM). Sau khi đổi tiền Mác Đức về Bảng Anh để trả nợ, George Soros đã thu về 1 tỷ USD từ thương vụ nổi tiếng này.

Không dừng lại ở đó, cái tên George Soros lại tiếp tục nóng lên vào thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở châu Á năm 1997. Khi một số quỹ đầu tư tài chính sừng sỏ trên thế giới, trong đó có quỹ Quantum của George Soros, ký một loạt hợp đồng mua bán ngoại tệ với giá trị lên tới 15 tỷ USD, nhiều người e ngại rằng đồng Bath của Thái Lan sẽ rớt giá. Và rồi, với sự chủ quan của Chính phủ Thái Lan, sự việc diễn ra theo đúng lo ngại của dư luận. Đồng Bath rớt giá thê thảm, kéo theo hiệu ứng domino tại một loạt thị trường tài chính khác của châu Á như Philippines, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc... Ngay sau đó, người ta truy tìm “thủ phạm” gây nên sự hỗn loạn cho các nền kinh tế tại châu Á, và George Soros, người được cho là đã thu về hàng tỷ USD lợi nhuận từ thương vụ này, bị cáo buộc là thủ phạm. Tuy nhiên, ông đã bác bỏ các cáo buộc trên và cho rằng, ông cùng những người cộng sự của mình chỉ đơn giản là những nhà phân tích tài chính nhạy cảm, gặp may và kiếm lợi nhuận từ sự yếu kém của hệ thống tài chính thế giới. Với những sự kiện này, George Soros đã trở thành một trong những nhà đầu tư thiên tài của thế giới, hay hoa mĩ hơn là “Mozart của Thị trường chứng khoán”.

Sự vươn lên và chạm đến thành công một cách kỳ lạ của George Soros cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những đánh giá trái chiều về cuộc đời, sự nghiệp và con người ông. Với nhiều người, George Soros là kẻ tội đồ, vì mục tiêu lợi nhuận mà làm suy yếu các đồng tiền mạnh trên thế giới và gây ra khủng hoảng trên các thị trường tài chính. Song, đối với nhiều người khác, George Soros lại là một nhà đầu tư đại tài, với óc phân tích, dự đoán tuyệt vời và có những nhận định khá chính xác về những biến chuyển của nền kinh tế, tài chính thế giới.

George Soros (phải) và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim trong chuyến thăm ngôi làng nhỏ Frumuşani, ngoại ô thủ đô Bucharest của Romania.

George Soros không những là một nhà đầu tư bậc thầy mà còn là một tỷ phú rất hào phóng trong việc làm từ thiện. Từ năm 1979 đến nay, ông liên tục đóng góp cho các quỹ hỗ trợ sinh viên da màu ở Nam Phi, nhằm chống lại chế độ phân biệt chủng tộc. Ông đã sáng lập ra Tổ chức Xã hội Mở (Open Society Foundations), với mạng lưới trải rộng hơn 100 quốc gia trên thế giới nhằm mục đích hỗ trợ cộng đồng về giáo dục, y tế, cải cách xã hội... Theo số liệu mà tổ chức này công bố, cho đến nay, vị tỷ phú người Mỹ gốc Do Thái đã chi hơn 12 tỷ USD cho hoạt động từ thiện. Hiện tại, ở độ tuổi 87, tỷ phú George Soros đã nghỉ hưu, không còn làm Giám đốc quỹ đầu tư của mình mà chỉ tập trung vào các hoạt động từ thiện xã hội.

Có thể nói, dù còn nhiều tranh cãi về sự nghiệp và con người ông, thì thế giới không thể phủ nhận những dấu ấn mà nhà đầu tư thiên tài George Soros để lại trong lịch sử tài chính toàn cầu và sự đóng góp của ông đối với sự phát triển của cộng đồng, hướng tới một xã hội công bằng và văn minh./.


Minh Hằng