Vòng xoáy giá - lương - tiền
Về giá, tính toán đầy đủ giá các mặt hàng Nhà nước cung cấp và giá các mặt hàng Nhà nước mua của nông dân, thợ thủ công, xí nghiệp theo giá sát với chi phí sản xuất. Để tiện cho tính toán, các mức giá trên được quy ra thóc. Giá thóc được xác định bình quân là 25 đồng/kg, dựa trên giá mua thỏa thuận giữa Nhà nước và nông dân với mức giá bình quân cao nhất ở cả 3 miền, “giá thóc mua bình quân ở Đồng bằng Bắc bộ là 22 - 25 đồng/kg, ở miền Trung là 18 - 22 đồng/kg, ở Đồng bằng sông Cửu Long là 14 - 16 đồng/kg”.
Nhà nước chỉ công bố giá “cứng” một số vật tư quan trọng, thiết yếu như xăng, dầu, xi măng, sắt thép, với giá cao hơn khoảng 10 lần so với giá cũ.
Về lương, người lao động, công nhân viên chức được tăng 20% để thay cho việc cung cấp với giá bao cấp một số hiện vật.
Về tiền, cuộc thu đổi tiền ngày 14/9/1985 hoàn thành theo đúng kế hoạch. Mục đích của đổi tiền nhằm giảm bớt số lượng tiền trong lưu thông (được cho là nguyên nhân gây lạm phát); điều chỉnh một phần thu nhập của một số người làm ăn bất chính (được cho là tác nhân quan trọng làm rối loạn thị trường). Một số nội dung trong Quyết định số 02-HĐBT/TĐ ngày 13/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng về mức tiền mặt được đổi sẽ cho ta thấy rõ hơn chủ đích của lần đổi tiền này:
- 10 đồng tiền cũ đổi được 1 đồng tiền mới.
- Mỗi hộ gia đình được đổi ngay tối đa 2.000 đồng tiền mới.
- Mỗi hộ độc thân, mỗi người trong hộ tập thể (đơn vị bộ đội, công an, công nhân, viên chức, học sinh...) được đổi ngay tối đa 1.500 đồng tiền mới.
- Mỗi hộ kinh doanh công thương nghiệp có môn bài bậc cao (1 và 2) được đổi ngay tối đa 5.000 đồng tiền mới.
Đối với số tiền vượt mức đổi ngay thì chuyển vào thành tiền ngân hàng, sẽ xem xét giải quyết sau.
Việc xử lý số tiền mặt trên mức đổi ngay quy định như sau:
- Cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội, công an, nhân dân lao động có số tiền mặt trên mức đổi ngay thì tiếp tục đổi tại Ngân hàng trong thời hạn một tháng kể từ ngày thu đổi tiền.
- Số tiền mặt trên mức đổi ngay của các hộ kinh doanh công thương nghiệp thì chuyển vào tài khoản tiền gửi ngân hàng để sử dụng vào việc kinh doanh, theo chế độ đăng ký vốn kinh doanh và quản lý tiền mặt của Ngân hàng.
Những gì diễn ra sau đó là một bức tranh không mấy sáng sủa. Mục đích của tổng điều chỉnh giá - lương - tiền không những không đạt mà còn làm cho hoạt động trên thị trường phức tạp hơn.
Kỳ vọng rút bớt tiền trong lưu thông ra để chống lạm phát bằng cách đổi 10 đồng tiền cũ lấy 1 đồng tiền mới, đi đôi với khống chế số lượng đổi tiền của các hộ gia đình, các hộ kinh doanh công thương nghiệp hoàn toàn thất bại. Nếu năm 1984, cả nước có 7 tỉnh, thành bội thu tiền mặt thì cuối năm 1985 tất cả các tỉnh, thành, đặc khu trong cả nước bội chi tiền mặt.
Bài học kinh nghiệm
Lý do là, tiền mới ít hơn 10 lần tiền cũ, nhưng giá một số vật tư mới lại tăng gấp khoảng 10 lần giá cũ. Tiền phát hành bắt buộc phải tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu trả lương, thu mua theo giá mới và trang trải cho bội chi ngân sách nhà nước. “Chỉ trong vòng 3 tháng 11 ngày, từ 19/9 đến 31/12/1985, khối lượng tiền mặt phát hành thêm vào lưu thông đã bằng 1,38 lần khối lượng tiền lưu hành sau khi kết thúc thu đổi (18/9/1985) và chiếm đến 61% tổng số tiền phát hành vào lưu thông trong 5 năm, làm cho khối lượng tiền lưu hành cuối năm 1985 gấp 1,7 lần trước ngày thu đổi và tăng 150% so với cuối năm 1984”.
Về giá, các xí nghiệp quốc doanh không chịu nổi giá vật tư nâng lên khoảng 10 lần và đề nghị mức thấp hơn. Sau một thời gian ngắn, Ban chỉ đạo chiến dịch cải cách giá - lương - tiền đồng ý hạ bớt giá vật tư khoảng 70% để đảm bảo sức chịu đựng của các xí nghiệp.
Về lương, mức lương tăng thêm 20% so với trước để bù cho việc bỏ cung cấp hiện vật theo giá bao cấp nhưng vẫn không đủ cải thiện đời sống vì lạm phát tăng cao, nên Ban chỉ đạo chiến dịch cải cách giá - lương - tiền đồng ý nâng mức lương tăng thêm là 100%, ngân sách cạn kiệt nên phải in thêm tiền. Hàng hóa tiếp tục khan hiếm và giá hàng hóa vẫn tiếp tục tăng mạnh vì lạm phát năm 1985 lên tới 73%, tức mỗi tháng lạm phát trên 6% nhưng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng chỉ 2 - 3%/tháng nên dân không gửi tiết kiệm mà tích trữ hàng hóa; số lượng tiền dân gửi tiết kiệm không nhiều nên ngân hàng phải in thêm tiền, cũng là tác nhân gây ra lạm phát.
Vòng xoáy điều chỉnh giá - lương - tiền khiến siêu lạm phát bùng nổ tới 3 con số, đạt đỉnh 774,5% vào năm 1986, xuống mức 2 con số vào năm 1990, tiếp tục kéo dài đến năm 1993 mới quay trở về mức một con số. Cuộc tổng điều chỉnh giá - lương - tiền nhìn chung là thất bại, song những bài học kinh nghiệm để đời lại góp phần quan trọng trợ lực cho chúng ta quyết tâm tiến hành Đổi mới đồng bộ, toàn diện hơn vào năm sau, năm 1986.