Mới chỉ là phong độ nhất thời
Chỉ số PCI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện là thước đo nhằm đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế của chính quyền địa phương dựa trên cảm nhận của khu vực kinh tế tư nhân về mức độ hài lòng đối với môi trường đầu tư và kinh doanh.
Sau 10 năm đưa thước đo PCI vào đánh giá, Đà Nẵng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá khá tốt với vị trí á quân 3 năm liền. PCI từ 2008-2010 đánh dấu bước đột phá của Đà Nẵng khi vươn lên vị trí quán quân 3 năm liên tiếp.
Tụt xuống vị trí 5 và 12 (năm 2011 và 2012) trở thành lời cảnh báo của doanh nghiệp đối với chính quyền Đà Nẵng cần có những điều chỉnh kịp thời trong môi trường kinh doanh tại địa phương.
Bằng nhiều cố gắng thay đổi môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, hai năm tiếp theo (2013, 2014), Đà Nẵng bứt phá trở lại ngôi đầu.
Tuy dẫn đầu thứ hạng, nhưng điểm số PCI của Đà Nẵng so với kết quả những năm trước lại có chiều hướng giảm. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đánh giá, điều đó chứng tỏ năng lực điều hành của Đà Nẵng mới chỉ là phong độ chứ chưa đạt được đẳng cấp.
Còn theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ, giữa niềm vui, tự hào vì dẫn đầu PCI cả nước, thành phố không được phép tự mãn khi đối diện nhiều thách thức khi 9/10 chỉ số quan trọng trong tiêu chí đánh giá PCI, Đà Nẵng chưa đạt điểm số dẫn đầu hoặc có chiều hướng giảm điểm: chỉ số pháp lý; cạnh tranh bình đẳng; chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất…
Ông Trần Thọ chỉ rõ, nhiều lĩnh vực hành chính vẫn còn phiền hà đối với doanh nghiệp như quản lý đất đai, thuế, xây dựng… Công tác thanh tra kiểm tra còn nhiều và chồng chéo. Dù dẫn đầu về đào tạo lao động nhưng chất lượng lao động có xu hướng giảm sút. Hay kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại Đà Nẵng hiệu quả thấp.
Tự chấn chỉnh để giữ ngôi đầu
Qua kết quả xếp hạng PCI 2014 có thể thấy có sự thu hẹp khoảng cách giữa các tỉnh, thành dẫn đầu với nhóm cuối. Đồng thời khoảng cách vềđiểm số giữa các thứ hạng cũng đang thu hẹp dần.
Việc chấn chỉnh lại cách điều hành chính quyền để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ là câu hỏi của Đà Nẵng mà là của tất cả các địa phương trong cả nước. Nâng cao chỉ số PCI sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia so với khu vực và thế giới, tham gia “sân chơi” WTO, PPP, TPP…
“Chúng tôi mong muốn, không chỉ dẫn đầu cả nước về PCI mà Đà Nẵng cần đặt mình trong cuộc đua với các thành phố dẫn đầu ASEAN về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Vì vậy, những kinh nghiệm, thành công, tiến bộ của Đà Nẵng trong cải thiện PCI không chỉ là vấn đề của thành phố này này mà còn là vấn đề của cả nước” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Trước cuộc đua ngôi vương PCI 2015, Đà Nẵng đang gấp rút tự cải tổ lại chính mình để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ông Trần Thọ cho biết, trước mắt, Đà Nẵng tiếp tục duy trì sự quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp như từng triển khai Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014. Trong đó, rà soát, đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ, đẩy mạnh hiệu quả thực thi các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố; cắt giảm các chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính của doanh nghiệp.
Đà Nẵng sẽ tiếp tục sử dụng nguồn lực của địa phương, giải quyết vướng mắc ban đầu cho doanh nghiệp còn khó khăn, tạo điều kiện doanh nghiệp tái đầu tư, mở rộng sản xuất, tiếp cận thị trường mới trong mức có thể.
Trong đó, đẩy mạnh triển khai các chính sách phát triển doanh nghiệp như mở rộng hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa; mở rộng nội dung hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp, đồng thời mạnh dạn có những cơ chế đột phá đặc biệt phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Đẩy mạnh cải cách hành chính cũng trở thành nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền thành phố. Trong đó, tập trung những lĩnh vực gây khó khăn cho doanh nghiệp, ví dụ như: phòng chuyên môn của văn phòng UBND TP; Sở Xây dựng (các phòng nghiệp vụ, thẩm định, cấp phép); Sở TN&MT; Cục Thuế; Quản lý thị trường…
“Đà Nẵng chưa thể khẳng định là nơi có môi trường đầu tư kinh doanh tốt. Do đó, định kỳ hàng tháng, lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục đối thoại với doanh nghiệp để khó chỗ nào gỡ ngay chỗ đó. Phải mạnh dạn nhận diện điểm yếu của chúng ta thì mới có thể đồng hành với doanh nghiệp” - ông Trần Thọ nhấn mạnh.