Bà Deborah Elms, Giám đốc điều hành hãng tư vấn thương mại Asian Trade Centre nhận định các nền kinh tế trên thế giới sẽ có xu hướng gia tăng mạnh các biện pháp bảo hộ thương mại trong thời gian tới nhằm hạn chế các thiệt hại kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.
Theo bà Deborah Elms sự bùng phát phức tạp của dịch bệnh đã khiến một số quốc gia khẩn cấp hạn chế các hoạt động xuất khẩu vật tư y tế và dược phẩm thì việc hạn chế xuất khẩu có thể sẽ nhanh chong lan sang các lĩnh vực khác như thực phẩm khi nhiều nước đang tăng cường dự trữ lương thực và đảm bảo an ninh lương thực.
[Xem thêm tại: Ấn Độ ngưng ký mới hợp đồng xuất khẩu gạo]
Động thái bảo hộ sẽ tập trung vào nhóm các ngành công nghiệp và lĩnh vực dễ bị tổn thương, tạo ra nhiều việc làm hoặc đóng vai trò quan trong của các quốc gia, bà Deborah Elms cho biết.
“Đối với từng quốc gia, việc bảo hộ nền kinh tế, hạn chế thương mại và tập trung phát triển kinh tế nội địa nhằm tối đa hoá việc làm cho người dân trong nước là quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, tổng thể chung, việc này sẽ khiến tình hình chung trở nên tệ hơn”, theo bà Deborah Elms.
Đại dịch Covid-19 hiện đã lan rộng ra hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, gây gian đoạn nghiêm trọng các hoạt động kinh tế trên quy mô toàn cầu trong bối cảnh nhiều quốc gia thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại, cách ly xã hội hoặc phong toả diện rộng nhằm chống lại sự lây lan của dịch bệnh.
Trong ngày 8/4, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cảnh báo hoạt động thương mại toàn cầu sẽ sụt giảm mạnh từ 13% đến 32% trong năm nay do sự bùng phát của dịch bệnh. Dự kiến hoạt động thương mại toàn cầu sẽ phục hồi vào năm 2021 nhưng điều này còn phụ thuộc nhiều vào sự kiểm soát dịch bệnh cũng như hiệu quả chính sách mà các quốc gia đưa ra để giảm thiểu tác động kinh tế của dịch bệnh, theo WTO. Hoạt động thương mại toàn cầu đã giảm tốc độ tăng trưởng kể từ năm 2019 khi chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bùng nổ.