Đại gia bán lẻ Decathlon đưa Dệt may TNG vào TOP 3 nhà cung cấp trên thế giới

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã cổ phiếu TNG) đã đưa vào hoạt động thêm 45 dây chuyền sản xuất nhằm đón đầu xu hướng gia tăng đơn hàng từ loạt khách hàng truyền thống và đối tác mới.
Dệt may TNG Decathlon
Decathlon, nhà bán lẻ đồ thể thao lớn nhất thế giới, vừa tiếp tục nâng cấp mối quan hệ chiến lược đối với Dệt may TNG.

Kết thúc quý 3 vừa qua, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã cổ phiếu TNG - sàn HNX) ghi nhận doanh thu đạt 2.358 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 111 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và tăng 63% so với cùng kỳ năm trước.

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Dệt may TNG, lượng đơn hàng của công ty hiện đã kín đến hết năm và tự tin sẽ hoàn thành các kế hoạch kinh doanh năm nay. Trong đó, đơn hàng từ các khách hàng truyền thống như Asmara, Decathlon, Sportmaster đã tăng mạnh, cùng với sự bổ sung từ các đối tác mới như H&M và Walmart đang giúp công ty đa dạng hóa đầu ra và giảm thiểu rủi ro tập trung nguồn lực vào một thị trường.

Ngoài ra, với việc Decathlon, nhà bán lẻ đồ thể thao lớn nhất thế giới, tiếp tục nâng cấp mối quan hệ chiến lược và đưa công ty vào TOP 3 nhà cung cấp hàng đầu trên toàn cầu, lượng đơn hàng từ Decathlon dự kiến sẽ tăng mạnh trong tương lai, ban lãnh đạo Dệt may TNG tiết lộ.

Để đáp ứng xu hướng gia tăng đơn hàng, Dệt may TNG đã hoàn thành việc đưa vào hoạt động thêm 45 dây chuyền sản xuất, giúp nâng tổng công suất lên thêm 15%.

Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán DSC, động thái trên sẽ tạo điều kiện cho Dệt may TNG có khả năng tiếp nhận thêm nhiều đơn hàng mới trong tương lai trong bối cảnh nhu cầu đang phục hồi mạnh mẽ. Đồng thời, hãng dệt may này cũng có thể hưởng lợi từ việc dịch chuyển đơn hàng từ Bangladesh.

Cụ thể, các khách hàng lớn của Dệt may TNG như H&M và Decathlon hiện có tỷ trọng đơn hàng lớn tại Bangladesh và một phần trong số đó có thể được chuyển sang Việt Nam nếu tình hình chính trị tại Bangladesh tiếp tục diễn biến phức tạp.

Giá cổ phiếu TNG Dệt may TNG
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu TNG của Dệt may TNG kể từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Dệt may TNG: Doanh thu lên cao nhất lịch sử, tự tin lãi ròng năm nay tăng 42%" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Khả năng sinh lời của Dệt may TNG cũng đang dần được cải thiện, biên lợi nhuận gộp của công ty trong quý 3/2024 đạt tới 14,5%, tăng hơn 700 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm trước, nhờ sự phục hồi mạnh của các đơn hàng FOB vốn có biên lợi nhuận cao.

Bên cạnh đó, Chứng khoán DSC đánh giá sau giai đoạn tăng vay nợ nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh, quy mô nợ vay của Dệt may TNG đang có xu hướng giảm dần, giúp giảm áp lực chi phí lãi vay. Trong quý 3/2024, tổng mức nợ vay của công ty đã giảm 16% so với hồi đầu năm.

Một điểm đáng chú ý khác là việc doanh thu từ hoạt động tài chính của Dệt may TNG trong quý 3/2024 tăng tới 89% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 53 tỷ đồng, trong bối cảnh tỷ giá USD/VND tăng mạnh, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu như Dệt may TNG.  

Chứng khoán DSC hiện dự báo lãi ròng năm nay của Dệt may TNG sẽ đạt 303 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2023.

Duy Quang