Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 với các chỉ tiêu kinh doanh được đặt khá thận trọng trong bối cảnh thị trường còn đối mặt nhiều thách thức.
Cụ thể, trong năm 2024, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất ở mức 11.878 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 795 tỷ đồng, lần lượt thấp hơn 12% và thấp hơn 42% của mục tiêu năm 2023.
Về sản lượng sản xuất, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu sản xuất hơn 748.000 tấn urê; 110.000 tấn đạm chức năng; 180.000 tấn NPK; và phân bón tự doanh ở mức 248.000 tấn.
Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 diễn ra ngày 14/12 vừa qua, ban lãnh đạo Đạm Cà Mau cho biết cho biết tổng sản lượng tiêu thụ phân bón các loại trong năm 2023 của Đạm Cà Mau ước đạt hơn 1,3 triệu tấn sản phẩm, tăng 20% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng tiêu thụ urê ước đạt 866.000 tấn. Đặc biệt, Đạm Cà Mau đã thâm nhập và phát triển thành công thị trường NPK với sản lượng tiêu thụ trong năm ước đạt 160.000 tấn, bằng 192% so với năm 2022.
Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau cho biết, doanh thu cả năm nay của Đạm Cà Mau ước đạt 13.572 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.031 tỷ đồng, lần lượt giảm 18% và 78% so với năm 2022.
Trong năm 2022, Đạm Cà Mau đã ghi nhận kết quả kinh doanh đạt mức cao nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2015 nhờ giá phân bón tăng mạnh, với doanh thu thuần gần 15.925 tỷ đồng và lãi ròng gần 4.316 tỷ đồng.
Hiện nhiều tổ chức tài chính đánh giá, kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau sẽ phục hồi rõ rệt trong năm sau khi giá phân bón đã qua đáy và đang phục hồi. Đáng chú ý, Đạm Cà Mau chuẩn bị mua lại 100% cổ phần Công ty TNHH Phân bón Hàn - Việt (KVF) từ một tổ chức Hàn Quốc với mức giá tối đa 25 triệu USD. Dự kiến thương vụ này sẽ hoàn tất trong năm nay.
Việc thâu tóm thành công Nhà máy KVF sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho Đạm Cà Mau, giúp tăng năng lực sản xuất phân bón NPK lên hơn gấp đôi, đạt tổng 660.000 tấn/năm, và giúp thâm nhập sâu hơn loạt thị trường mục tiêu như TP.Hồ Chí Minh, Tây Nguyên,…
Ngoài ra, Đạm Cà Mau có thể tận dụng cơ sở vật chất của Nhà máy KVF như kho bãi để tăng cường tích trữ nguyên liệu, hàng hoá. Đặc biệt, Đạm Cà Mau còn có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp NPK khác khi có khả năng tự chủ được nguồn phân ure đầu vào.
Ngoài ra, theo đánh giá của Maybank Investment Bank, Đạm Cà Mau có thể có yếu tố bất ngờ tích cực về mặt hạch toán lợi nhuận cho năm 2022 và năm 2023 khi giá khí đầu vào cho năm 2022 vẫn chưa được quyết toán xuất phát từ việc giá khí cho cả cụm PM3 - Cà Mau chưa được quyết toán. Với việc hạch toán ở mức thận trọng trong năm 2022, Đạm Cà Mau có thể ghi nhận hoàn nhập dự phòng trong thời gian tới.
Trong 9 tháng đầu năm nay, Đạm Cà Mau cũng áp dụng phương pháp hạch toán thận trọng cho tỷ lệ khí cung cấp giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Petronas (Malaysia). Do đó, nhiều khả năng khi quyết toán chi phí thực tế sẽ thấp hơn, giúp lợi nhuận của Đạm Cà Mau tăng lên so với dự kiến, Maybank Investment Bank nhận định.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 20/12, thị giá cổ phiếu DCM đạt 31.350 đồng/cổ phiếu, tăng gần 30% so với hồi đầu năm nay.