Thông tin này vừa được đưa ra tại Hội thảo tham vấn “Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (AUS4REFORM) tổ chức.
Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng phục hồi
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, việc cơ cấu lại nền kinh tế đất nước đã và đang đạt được những kết quả tích cực như: kinh tế vĩ mô giữ được ổn định, tăng trưởng phục hồi và đạt mức tương đối cao. Không những vậy, chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ rệt. Nhìn lại nửa kỳ đầu thực hiện Đề án cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 có thể thấy nhiều điểm mừng.
Cụ thể, theo dẫn chứng từ báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo xu hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ.
Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP đã giảm từ 17% năm 2015 xuống 15,34% năm 2017 và ước tính năm 2018 còn 14,44%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 33,25% năm 2015 lên 33,40% năm 2017 và 34% năm 2018; khu vực dịch vụ tăng từ 39,73% năm 2015 lên 41,26% năm 2017 và 41,61% năm 2018; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm từ 10,02% năm 2015 xuống 10% năm 2017 và còn 9,95% năm 2018.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, việc cơ cấu lại nền kinh tế đất nước đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô giữ được ổn định, tăng trưởng phục hồi và đạt mức tương đối caoNếu tính cả thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm (theo giá sản xuất), tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP giảm từ 17,4% năm 2015 xuống còn 15,7% năm 2017; các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 82,6% lên 84,3% (trong đó khu vực công nghiệp từ 38,0% lên 38,1%; khu vực dịch vụ từ 44,6% lên 46,2%), tiến sát mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm khoảng 85% GDP.
Đặc biệt, chuyển đổi cơ cấu kinh tế không chỉ diễn ra ở các ngành kinh tế mà những năm gần đây, xu hướng chuyển đổi trong nội bộ ngành cũng diễn ra phổ biến.
Là một trong bộ ngành thực hiện tái cơ cấu khá mạnh mẽ, Bộ Công Thương đã cải cách về chính sách và thể chế; cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm 675/1.216 điều kiện đầu tư kinh doanh trong 27 ngành không còn phù hợp, triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN; tái cấu trúc lại các doanh nghiệp nhà nước; tăng cường hội nhập, tích cực đàm phán và ký kết các FTA; cơ cấu lại định hướng ưu tiên phát triển các ngành và cải cách chính sách phát triển ngành...
Đánh giá về việc thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương, bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương đã đạt những kết quả tích cực. Cụ thể, tăng trưởng công nghiệp đã phục hồi trở lại và tăng liên tục dù không cao hơn trung bình các giai đoạn trước. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng. Cán cân thương mại đã chuyển dịch từ thâm hụt sang thặng dư. Thương mại nội địa tăng trưởng ổn định trở lại…
Như vậy, “cơ cấu lại nền kinh tế đất nước đã giúp kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng phục hồi, đạt mức tương đối cao. Không những thế, chất lượng tăng trưởng có cải thiện và cách thức tăng trưởng đã thay đổi tích cực so với trước”, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM nhận xét.
3 giải pháp tạo động lực tăng trưởng
Mặc dù tăng trưởng nền kinh tế đã được phục hồi, ổn định nhưng quá trình tái cơ cấu nền kinh tế còn bộc lộ nhiều hạn chế. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/2/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế gồm 16 định hướng, chính sách lớn và 120 nhóm nhiệm vụ thực hiện ở cấp Bộ, ngành.
Để tạo động lực tăng trưởng cao và bền vững, ngoài ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm như: gia tăng quy mô, tốc độ; trú trọng phân bố nguồn nhân lực...Trong đó, 25,8% nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả rõ ràng; 57,5% nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng; 16,7% nhiệm vụ đã triển khai nhưng chưa có kết quả. Tựu chung lại, mới chỉ có 24% mục tiêu cơ cấu lại dự kiến hoàn thành, 32% có khả năng hoàn thành và 41% khó hoàn thành.
Thêm vào đó, thời gian qua, cách thức tăng trưởng đã có thay đổi so với trước nhưng cách thức phân bố nguồn lực chưa chuyển dịch. Nguồn lực về cơ bản chưa được phân bố lại theo hướng nâng cao hiệu quả.
Bên cạnh đó, các dòng chảy lớn chuyển dịch còn chậm, chuyển nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ, nông thôn sang thành thị, nhà nước sang tư nhân, chính thức sang phi chính thức. Trong khi, các dòng chuyển dịch này là nhân tố quan trọng tạo động lực cho tăng trưởng.
Để tạo động lực tăng trưởng cao và bền vững, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, ngoài ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam cần thực hiện 3 nhóm giải pháp trọng tâm. Nhóm thứ nhất, tiếp tục thực hiện các giải pháp hiện có nhưng phải gia tăng quy mô, tốc độ và nhất là đảm bảo tính thực chất, tính đầy đủ; không hình thức, nửa vời.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chia sẻ, cần phải có nhóm chuyên gia độc lập thẩm định các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành… trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng. Đặc biệt là phải có bộ tiêu chí đánh giá và tổ chức độc lập đánh giá việc triển khai thực hiện tái cơ cấu kinh tế.
Nhóm thứ hai liên quan đến phân bố nguồn lực, TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất, cần một số giải pháp mạnh được thực hiện một cách khác biệt gồm phát triển doanh nghiệp tư nhân, cụ thể là tập hợp các dự án đầu tư quy mô lớn của tư nhân trong nước trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, xây dựng hạ tầng giao thông... Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thay vì nỗ lực tái cơ cấu dự án, doanh nghiệp thua lỗ, cần tập trung thực hiện tái cơ cấu toàn diện, tập trung đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp có tiềm năng phát triển.
Nhóm giải pháp thứ ba là các nghiên cứu chuẩn bị cho giai đoạn 2021- 2030 và tiếp theo, vừa hoàn thành chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập, vừa chuyển đổi sang kinh tế số, tận dụng cơ hội cách mạng 4.0.
Riêng đối với ngành Công Thương, bà Nguyễn Thúy Hiền cho biết, theo Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018- 2020, xét đến năm 2025, Bộ tiếp tục cụ thể hóa các nhiệm vụ tại Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương, có điều chỉnh, cập nhật, bổ sung phù hợp. Ưu tiên vào xử lý các điểm nghẽn về chính sách, thể chế và tiếp cận tích cực hơn các nguồn lực cho phát triển công nghiệp của các thành phần kinh tế.
“Bên cạnh đó, khai thác có hiệu quả hội nhập quốc tế về kinh tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất công nghiệp, nâng cao tỷ lệ đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu”, bà Hiền nhấn mạnh.