Thách thức từ hội nhập
Trước đây, khi còn hoạt động mạnh và sôi nổi nhất, cả làng Vạn Phúc có tới hơn 1.000 máy dệt. Khi đi vào làng, âm thanh những khung cửi, tiếng thoi đưa rộn ràng, nhiều khi, cả ngày lẫn đêm đều không dứt tiếng dệt. Sản phẩm lụa của làng nghề có mặt trên nhiều thị trường nổi tiếng, đem lại cuộc sống sung túc, người dân yêu nghề. Nhưng đó chỉ là câu chuyện của những năm trước ở làng nghề Vạn Phúc. Còn bây giờ, sản xuất lụa không còn chiếm vị trí độc tôn, thu nhập từ sản xuất lụa không hấp dẫn bằng những ngành nghề khác, người dân Vạn Phúc cũng không còn mặn mà để sống với nghề truyền thống. Nhiều hộ thuộc diện phải thu hồi đất canh tác, chính quyền địa phương tới vận động học lớp đào tạo nghề, nhưng không nhận được sự hợp tác. Một người dân trong làng chia sẻ: “Sản phẩm làm ra có lúc không tiêu thụ được, nhưng vẫn phải hoạt động để giữ nghề. Dù yêu nghề mấy đi nữa nhưng nếu làm nghề mãi không hiệu quả thì không thể giữ nghề được mà phải chuyển sang hình thức làm ăn khác”. Tâm lý này tạo nên một thực tế là Vạn Phúc đang ngày càng thiếu đội ngũ lao động kế cận, số lượng lao động trẻ theo nghề rất ít, đặc biệt là lao động lành nghề.
Hiện nay, sản xuất và kinh doanh lụa truyền thống ở Vạn Phúc vẫn thu hút trên 1.000 lao động địa phương và trên 400 lao động ở các vùng lân cận. Số lao động trẻ làm nghề chủ yếu là các em không có khả năng học tập lên cao. Ông Nguyễn Văn Sinh - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc cho biết: “Khó khăn nhất trong đào tạo nghề là nguồn nhân lực. Khi cuộc sống sung túc hơn, gia đình nào cũng cố cho con cái ăn học. Có bằng có cấp rồi thì các em muốn đi làm ở nơi khác lương cao hơn, chỉ có số ít ăn học không đến nơi đến chốn lại đi làm việc khác, đến một thời điểm nào đấy không làm ăn được mới trở lại theo nghề”.
Sản lượng 9 tháng đầu năm 2011 của HTX dệt lụa Vạn Phúc ước đạt 1,5 triệu mét lụa các loại, thu nhập ước đạt 822 triệu đồng. HTX vẫn duy trì phát triển 150 gian hàng giới thiệu sản phẩm lụa, mở rộng thêm nhiều mô hình như may mặc cơ khí… tạo ra doanh thu 9 tháng đầu năm ước đạt 60 tỷ đồng. Những kết quả đó phần nào khẳng định vai trò mà nghề lụa mang lại cho Vạn Phúc. Nhưng trong thời kỳ hội nhập, làng lụa Vạn Phúc cũng như nhiều làng quê khác đang gồng mình với dòng chảy thời gian tìm hướng phát triển, trong đó thu hút nguồn lao động để đào tạo nghề vẫn là chủ đề nóng.
Thách thức trong đào tạo nghề
Trước thực trạng trên, hàng năm chính quyền phường Vạn Phúc đã mở các khoá đào tạo nghề thu hút khoảng 50 - 100 lao động địa phương và các vùng lân cận. Theo dự tính của ông Nguyễn Văn Sinh, để đào tạo lao động làm được một công đoạn trong sản xuất lụa chỉ mất khoảng 3 tháng, nhưng để thành thạo được tất cả quy trình cần rất nhiều thời gian, có khi cả đời người thợ phải cần mẫn mới đạt đến độ chín trong nghề. Vì vậy, số thợ có khả năng này ở làng nghề đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tuy nhiên, Vạn Phúc đang phát triển đào tạo nghề theo hướng dạy tất cả quy trình sản xuất dệt lụa, với mỗi người thợ sẽ chọn học sâu vào một công đoạn. Cách đào tạo này có ưu điểm người thợ sẽ nhanh chóng làm được việc đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất theo dây chuyền công nghiệp. Nhưng lớp dạy nghề thường diễn ra trong thời gian có hạn, đôi khi khoá học kết thúc mà người học chưa tiếp cận hết được máy móc thiết bị. Khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển thợ, các lớp đào tạo nghề như trên cũng không thể đáp ứng ngay. Vì vậy, đào tạo nghề dệt Vạn Phúc còn mang tính tự phát là chủ yếu, các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh tự dạy nghề cho công nhân, người nhà của mình.
Ngoài ra, để tạo ra một sản phẩm ăn khách trên thị trường không chỉ nằm ở sản phẩm đó có bền hay không mà còn phải đảm bảo tính thẩm mỹ. Song, khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm gần như không được các khoá đào tạo nghề quan tâm. Doanh nghiệp khá giả thì tự chủ động thuê người thiết kế, còn lại đa phần người dân phải tự mày mò. Do không có chuyên môn về mỹ thuật nên việc tính toán, vẽ họa tiết, hoa văn tạo ra sản phẩm còn thô sơ chưa thể theo kịp với thị hiếu thị trường, đào tạo nghề dệt lụa mới chỉ dừng lại ở việc mách cho người dân tìm cần câu cơm mà chưa cho người dân mồi để câu.
Tiềm năng phát triển
Thương hiệu lụa Vạn Phúc luôn nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng, nhiều du khách nước ngoài, khi nhắc đến lụa Vạn Phúc cũng dành một tình cảm đặc biệt. Đối với họ, sở hữu một bộ áo lụa là cả một sự thiêng liêng. Có thể họ chỉ nghe bạn bè giới thiệu, chỉ được đọc qua sách vở báo chí, nhưng họ vẫn muốn tận mắt được nhìn thấy một tấm lụa Vạn Phúc. Khi đến Việt Nam, họ đều phải đến mua cho bằng được tấm lụa Vạn Phúc về làm quà.
Sẵn lợi thế trên cộng với sự cần cù, chịu khó sáng tạo của người dân Vạn Phúc, việc khôi phục lại thời kỳ thịnh vượng của làng lụa nổi tiếng là việc làm có thể thực hiện được. Để hiện thực hoá điều đó cần đến những chính sách hỗ trợ linh hoạt giúp tháo gỡ những khó khăn trong đào tạo nghề hiện nay. Trong đó, thực hiện đào tạo nghề gắn với chủ động xúc tiến thương mại bằng hình thức giới thiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi trên thị trường, tăng cường thêm các chính sách ưu đãi, như: hỗ trợ vốn vay, miễn giảm thuế đất, tiền hạ tầng cho các cơ sở phải di dời vào cụm công nghiệp.
Các cơ sở dệt lụa tiếp tục liên kết lại tạo thành HTX, lập dự án khuyến công, dự án xúc tiến thương mại để Sở Công Thương Hà Nội hỗ trợ đủ khả năng đáp ứng được các đơn hàng.
Đào tạo nghề dệt lụa ở Vạn phúc: Thách thức và tiềm năng phát triển
TCCT
Những tiếng lách cách thoi đưa khi xa khi gần, lúc rộn ràng, lúc dìu dặt, khoan thai cho ra đời những sản phẩm lụa đẹp mơ màng, tất cả những nhịp điệu ấy hoà quyện vào nhau tạo nên vẻ đẹp đặc trưng ch