Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) được thành lập từ năm 1957 với nhiệm vụ giúp Chính phủ xây dựng và tổ chức, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách về quản lý thị trường, chống đầu cơ, tích trữ hàng hóa. Từ năm 1995 đến nay, lực lượng QLTT được tổ chức và kiện toàn lại trở thành một lực lượng chuyên trách thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại và thị trường trong nước.
Đến năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 27 sửa đổi, bổ sung một số điều về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của QLTT, trong đó, giao thêm cho lực lượng chức năng thanh tra chuyên ngành thương mại, mở rộng phạm vi kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với các hoạt động công nghiệp, tổ chức tuyên truyền pháp luật, thương mại cho các cá nhân kinh doanh trên thị trường. Hệ thống tổ chức QLTT được chia làm 3 cấp, không theo mô hình ngành dọc.
Tuy nhiên, đến tháng 8/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 34/2018/QĐ-TTg thành lập Tổng cục QLTT trực thuộc Bộ Công Thương. Sau 3 năm hoạt động theo mô hình mới, lực lượng QLTT cả nước đã ghi nhận nhiều kết quả nổi bật, góp phần lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng. Đồng thời thúc đẩy sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, đóng góp vào thành tích chung của cả ngành Công Thương.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT nhận định, sau 3 năm chuyển đổi mô hình sang ngành dọc, toàn lực lượng đã tạo được bước chuyển mình tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý; xây dựng lực lượng QLTT ngày càng chuyên nghiệp-chính quy-hiện đại, nâng cao được hiệu lực, hiệu quả công tác. Đồng thời, từng bước đáp ứng được niềm tin và kỳ vọng của của người dân và Chính phủ đối với lực lượng QLTT. Kết quả ấy, được minh chứng qua những con số cụ thể:
Thứ nhất, về công tác ổn định, kiện toàn tổ chức. Ngay từ khi thành lập, Tổng cục xác định xây dựng nội bộ lực lượng là quan trọng nhất. Do vậy, ổn định kiện toàn tổ chức cán bộ, nâng cao đội ngũ cán bộ là việc ưu tiên số 1 và số 2.
Đến thời điểm này, về cơ bản, công tác ổn định và kiện toàn tổ chức cán bộ của Tổng cục đã được thực hiện tốt. Tính đến hết tháng 9/2021, trong 63 Cục địa phương, Bộ đã bổ nhiệm chính thức 32 Cục trưởng, giao 24 Quyền Cục trưởng. Còn 7 Cục giao phụ trách: Thái Nguyên, Nam Định, An Giang, Phú Thọ, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai. Mặc dù công tác kiện toàn tổ chức cán bộ tiến hành rất khó khăn, nhưng đã tạo sự ủng hộ, đồng thuận của toàn bộ lực lượng.
Thứ hai, là việc tinh giản bộ máy hoạt động. Tổng cục là đơn vị duy nhất thực hiện công tác tinh giản bộ máy rất tốt. Khi nhận bàn giao, cả lực lượng có 681 Đội QLTT, tính đến đầu năm 2021, cả lực lượng chỉ còn 376 Đội QLTT (giảm 45%). Thực tế đã minh chứng việc tinh giản bộ máy không làm yếu đi vai trò chủ công trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường nội địa, trái lại, còn giúp lực lượng QLTT ngày càng tinh nhuệ, chuyên nghiệp.
Theo đó, trong 3 năm qua, kể từ khi chuyển đổi mô hình sang ngành dọc, lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra gần 330.000 vụ, phát hiện, xử lý trên 214.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước ước trên 1.220 tỷ đồng. Tổng cục, đã chuyển 536 vụ sang cơ quan điều tra, đã khởi tố 96 vụ.
Các vụ việc tiêu biểu, như: tại tỉnh Bắc Ninh, tạm giữ trên 4 triệu sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo, trị giá gần 10 tỷ đồng; phối hợp cùng Công an kiểm tra 21 bãi than có dấu hiệu vi phạm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ tại Hải Dương; vụ tạm giữ gần 90.000 đơn vị sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, không nguồn gốc xuất xứ tại Hà Nội, trị giá lô hàng ước tính gần 2 tỷ đồng...
Thứ ba, sự thay đổi trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Kể từ khi thành lập Tổng cục, hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng QLTT được triển khai đồng bộ, kịp thời, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Có thể kể đến như những vụ việc mà Tổng cục QLTT đã thực hiện tiến công vào những "điểm nóng", đánh trúng vào đường dây, ổ nhóm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được tại 2 Trung tâm thương mại bán hàng giả tại Móng Cái, Quảng Ninh, hay như vụ việc kiểm tra, xử lý các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại Hà Nội và tại TPHCM. Những vụ việc lớn cho thấy lực lượng QLTT đã khắc phục được điểm yếu cốt tử trước đây - sự chia cắt theo địa bàn. Tổ chức theo ngành dọc đã giúp chỉ đạo từ Tổng cục xuyên suốt tạo thuận lợi cho các đơn vị phối hợp hành động kịp thời.
Thứ tư, là nâng cao chất lượng đội ngũ. Tổng cục xác định muốn lực lượng tiến lên “Chính quy - chuyên nghiệp - hiện đại” phải quan tâm đến nâng cao chất lượng của kiểm soát viên thị trường, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy, 3 năm qua, Tổng cục QLTT thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo trong nội bộ lực lượng, cử đi học lớp nâng ngạch kiểm soát. Bên cạnh đó, phối hợp với các hãng nước ngoài và doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao năng lực chuyên môn đối với từng ngành hàng, mặt hàng cụ thể.
Đặc biệt, để đào tạo chính quy lực lượng, Tổng cục kết hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân đào tạo bậc đại học về QLTT từ năm 2021.
“Đây là lần đầu tiên sau 64 năm thành lập mới có trường đào tạo chuyên ngành về công tác QLTT, hướng tới xây dựng lực lượng QLTT chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong tình hình mới”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết.
Thứ năm, liên quan đến xây dựng thể chế. Tổng cục được Chính phủ và Bộ Công Thương giao soạn thảo, trình ban hành 6 nghị định của Chính phủ và rất nhiều Thông tư liên quan đến quy trình kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đơn cử như: Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. Đây là những văn bản pháp luật rất quan trọng để tạo hành lang pháp lý giúp QLTT triển khai công việc.
Tính đến tháng 9/2021, Tổng cục đã tham mưu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 03 Nghị định và 09 Thông tư về tổ chức, hoạt động của lực lượng QLTT. Đang chỉnh lý, hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành 02 Nghị định và 03 Thông tư trong năm 2021.
Thứ sáu, là ứng dụng công nghệ thông tin. Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng lực lượng QLTT chuyên nghiệp, hiện đại là bước đột phá trong bối cảnh mới. Đến nay, 100% công chức QLTT được trang bị máy tính, 100% cơ quan thực hiện tốt việc tiếp nhận và xử lý văn bản đi, văn bản đến trên phần mềm eDMS và kết nối liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia.
Tổng cục QLTT nhận định việc triển khai Hệ thống xử lý vi phạm hành chính INS sẽ làm thay đổi căn bản công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính kể từ 01/01/2022 trở đi sau khi áp dụng ấn chỉ điện tử toàn bộ.
Thứ bảy, công tác thông tin tuyên truyền. Công tác thông tin tuyên truyền của Tổng cục thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, đột phá, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong việc chấp hành các quy định pháp luật về thương mại của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, góp phần hạn chế các hành vi buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, tháng 7/2021, Tổng cục QLTT đã chính thức ra mắt Tạp chí QLTT. Đây là cơ quan ngôn luận của Tổng cục QLTT.
Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh từng nhìn nhận, thông tin truyền thông là kênh giám sát để giúp QLTT hoàn thiện hơn. Mặt khác, thông tin truyền thông cũng giúp cho người dân và doanh nghiệp nâng cao ý thức và cảnh báo về những hành vi gian lận thương mại.
Có thể nói, sự chỉ đạo xuyên suốt từ Bộ, Tổng cục xuống các Cục, Đội QLTT làm nên thành công “chưa từng có” của lực lượng khi đánh trúng vào đường dây, ổ nhóm lớn hoặc địa bàn đặc biệt mà trước đây chưa bao giờ đụng vào được. Kết quả này cũng có sự đóng góp quan trọng của phối hợp “ngang”, đó là sự phối hợp giữa Tổng cục với Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Hà Nội, Hiệp hội Thông tin tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng cục du lịch - Bộ văn hóa, thể thao và du lịch, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam… cũng như với các đơn vị tham mưu thuộc Bộ.
Trước những yêu cầu mới của năm 2021 và giai đoạn tới, lực lượng QLTT luôn tự nhìn nhận và luôn đặt bản thân trong bối cảnh mới của thị trường, không chỉ gói mình trong nhiệm vụ QLTT trong nước, đảm bảo ổn định vĩ mô, lành mạnh thị trường, bảo vệ doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng, còn có nhiệm vụ mới liên quan đến hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế như chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại, hợp lực cùng các lực lượng chức năng chống buôn lậu qua biên giới, tham gia vào công tác phòng, chống dịch Covid-19. Lực lượng QLTT luôn cam kết đồng hành với thị trường, hướng tới trở thành lực lượng "Chính quy - Tinh nhuệ - Hiện đại".
Đặc biệt, khoác lên mình trang phục mới, lấy màu xanh dương làm chủ đạo, biểu tượng cho sự trung thành, tin cậy, toàn lực lượng sẽ có thêm tinh thần mới, sức mạnh mới để hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đúng như sự kỳ vọng của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong buổi gặp mặt chúc mừng lực lượng nhân kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống lực lượng.