Giá đậu tương theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã giảm 0,1% xuống 8,65 USD/giạ (27,2 kg) vào lúc 10h10 sáng nay (ngày 11/6, theo giờ Việt Nam). Giá đậu tương chịu áp lực giảm trong bối cảnh giới phân tích dự báo dữ liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) sẽ cho thấy nguồn cung đậu tương trên toàn cầu sẽ tăng lên. Tuy nhiên, mức giảm của giá đậu tương được kìm hãm bởi nhu cầu thu mua đậu tương của Trung Quốc trên thị trường hiện vẫn ở mức cao.
Ông Tobin Gorey, giám đốc bộ phận chiến lược kinh doanh nông sản tại tập đoàn Ngân hàng Thịnh vượng chung Australia (CBA), nhận định thị trường đã sẵn sàng đón nhận thông tin nguồn cung đậu tương trên toàn cầu tăng lên, đặc biệt là nguồn cung từ Hoa Kỳ. Báo cáo tình hình cung cầu nông sản toàn cầu hàng tháng mới nhất của USDA sẽ được công bố trong ngày hôm nay.
Trong khi đó, Trung Quốc đã liên tục đặt mua các lô hàng đậu tương từ Hoa Kỳ trong những ngày gần đây. Theo giới kinh doanh đậu tương, tập đoàn kinh doanh nông sản quốc doanh hàng đầu Trung Quốc Sinograin đã mua vào ít nhất 120.000 tấn đậu tương của Hoa Kỳ trong ngày 9/6, các lô hàng này sẽ được chuyển đến Trung Quốc trong tháng 12/2020.
Trên sàn CBOT, giá lúa mì theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất đã tăng 0,2% lên 5,07-1/4 USD/giạ (27,2 kg); trong khi đó, giá ngô tăng nhẹ 0,1% lên 3,26-1/2 USD/giạ (25,4 kg). Giá lúa mì hiện đang được hỗ trợ khi tình trạng khô hạn diễn ra tại miền trung Argentina gây khó khăn cho hoạt động canh tác lúa mì tại đây.
Trước đó, dự kiến diện tích canh tác lúa mì của Argentina trong niên vụ 2020/2021 sẽ đạt mức cao kỷ lục 7 triệu ha. Trong ngày 10/6, Ai Cập, một trong những quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, tthoong báo đã mua vào 120.000 tấn lúa mì từ Nga thông qua đấu thầu.
Giá ngô hiện đang chịu áp lực giảm xuống sau khi báo cáo mới nhất của USDA công bố ngày 8/6 cho thấy diện tích canh tác ngô tại Hoa Kỳ đạt tỷ lệ “tốt đến rất tốt” tăng lên.