Hội nghị có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Đại diện Bộ ngoại giao, các cơ quan Đại sứ quán, Lãnh sự quán trong và ngoài nước; Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, cùng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và các điểm cầu tại các thị trường ngoài nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Úc...
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho biết: Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ nhãn và nông sản năm 2022 nhằm tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhãn và nông sản đặc trưng, thế mạnh của tỉnh tới người tiêu dùng. Đồng thời, khẳng định vị trí, vai trò của nông sản tỉnh Hưng Yên trong thị trường cả nước và quốc tế.
Từ bao đời nay, nói đến Hưng Yên là nói đến nhãn lồng, tuy nhiên hiện nay không chỉ có nhãn lồng, Hưng Yên hiện còn có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao và đang được người tiêu dùng Việt Nam cũng như một số thị trường trên thế giới tin dùng như: Chuối tiêu hồng (sản lượng năm 2022 đạt khoảng 73.000 tấn); cam và loại quả có múi, tinh bột nghệ, long nhãn, mật ong hoa nhãn...
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, hai năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc tiêu thụ nông sản hàng hoá nói chung và nhãn lồng Hưng Yên nói riêng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các Bộ, Ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố và sự chung tay trách nhiệm của các doanh nghiệp phân phối, thương nhân, nhãn lồng Hưng Yên và nông sản của tỉnh vẫn đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Năm 2021, Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2021 đã được tổ chức thành công góp phần quan trọng thúc đẩy nhãn lồng Hưng Yên vươn ra thị trường quốc tế, giới thiệu thành công tại một số thị trường Châu Âu; đồng thời nhãn lồng Hưng Yên cũng lần đầu tiên được giao dịch qua các sàn thương mại điện tử mở ra một phương thức giao thương mới cho người trồng nhãn Hưng Yên.
Tại Hội nghị, có 20 doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh đã tiến hành ký kết và thực hiện các Hợp đồng kinh tế mua, bán nhãn, rau an toàn, tinh bột nghệ, dược liệu… với 10 doanh nghiệp phân phối, thu mua và các sàn thương mại điện tử lớn: Shopee, Voso, Postmart…
Sau Hội nghị, tại Phiên giao thương trực tuyến, đã thu hút hơn 40 doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nông sản từ 7 thị trường xuất khẩu của Việt Nam, gồm: Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia giao dịch trực tuyến với các nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp của Hưng Yên.
"Năm nay do ảnh hưởng của thời tiết nhãn lồng Hưng Yên vào vụ thu hoạch muộn hơn hàng năm nhưng vẫn là một năm được mùa với sản lượng dự kiến khoảng 45.000 tấn", Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự năng động và nỗ lực của tỉnh Hưng Yên trong công tác xúc tiến tiêu thụ nông sản.
Bộ trưởng cho rằng, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành chức năng và các hiệp hội, doanh nghiệp cùng với sự hỗ trợ, phối hợp hiệu quả của các Bộ, ngành Trung ương, công tác phát triển thị trường (cả trong nước và xuất khẩu) đối với sản phẩm nhãn nói riêng và hàng nông sản nói chung đã đạt được các kết quả rất tích cực.
"Thông qua các hệ thống phân phối lớn, các sàn thương mại điện tử, các mặt hàng nông sản của tỉnh đã được phân phối rộng rãi đến người tiêu dùng trong cả nước ngay khi vào vụ thu hoạch; đồng thời thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường các nước láng giềng như Trung Quốc, ASEAN… và chinh phục các thị trường mới, có tiêu chuẩn cao như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Với vai trò là cơ quan quản lý, điều hành lưu thông hàng hóa và xuất nhập khẩu, thời gian qua Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực cùng các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức quốc tế hỗ trợ, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp địa phương (trong đó có tỉnh Hưng Yên) triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả về xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Trong đó, đặc biệt chú trọng tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, chủ động đưa các sản phẩm của địa phương vào hệ thống phân phối nội địa và quốc tế gắn kết việc tạo nguồn hàng ổn định thông qua các chương trình của Chính phủ để thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Bộ trưởng cho biết, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Hưng Yên nói riêng và các địa phương nói chung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và thúc đẩy kết nối giao thương, tiêu thụ nông sản ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong đó, tích cực hỗ trợ các địa phương phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số và các kênh thương mại điện tử; đồng thời, chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, nhất là Thương vụ ở các thị trường lớn, quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Singapore, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Tăng cường phối hợp, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, kết nối xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, khai thác hiệu quả các FTA mà nước ta đã ký kết (nhất là các FTA thế hệ mới như: EVFTA, CPTPP, RCEP…) để mở rộng và đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu hàng nông, thủy sản có tính mùa vụ.
Trong khuôn khổ Hội nghị, UBND tỉnh Hưng Yên cũng khởi động chương trình "Đưa Nhãn lồng và Nông sản Hưng Yên lên sàn thương mại điện tử năm 2022"; thực hiện lễ xuất hành "Đưa Nhãn lồng và Nông sản Hưng Yên vào các hệ thống phân phối", tổ chức Lễ ký biên bản hợp tác tiêu thụ nhãn và nông sản giữa đại diện doanh nghiệp phân phối, sàn thương mại điện tử và hợp tác xã.