Triển vọng thị trường vận tải dầu toàn cầu trong năm 2024 được đánh giá sẽ ở mức “tích cực” nhờ nguồn cung hạn chế trong khi khoảng cách vận chuyển bị kéo dài hơn. Điều này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải dầu như Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã cổ phiếu PVT - sàn HoSE).
Giá cước vận tải dầu dự kiến tiếp tục neo cao
Cụ thể, về phía cầu, công suất lọc hoá dầu trong năm 2024 trên thế giới, chủ yếu tăng lên tại khu vực châu Á, trong khi đó, sự gia tăng nguồn cung dầu lại đến từ châu Mỹ. Điều này dẫn đến khoảng cách vận chuyển dầu dài hơn cho cả dầu thô lẫn dầu thành phẩm.
Đáng chú ý, nhiều tổ chức tài chính trên thế giới hiện dự báo nhu cầu nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục mới trong năm 2024. Trong năm 2023, lượng dầu thô nhập khẩu của nước này đã tăng 11%, đạt 11,28 triệu thùng/ngày - mức cao nhất từ trước đến nay.
Hãng nghiên cứu Wood Mackenzie đánh giá, tăng trưởng nhu cầu tại Trung Quốc sẽ chiếm tới 25% tổng tăng trưởng nhu cầu dầu thô toàn cầu trong năm nay. Trong tuần trước, Chính phủ Trung Quốc vừa phân giao hạn ngạch nhập khẩu dầu ở mức độ lớn cho các nhà máy lọc hoá dầu ở nước này.
Về phía cung, do lượng đơn đặt hàng tàu chở dầu và sản phẩm dầu trong thời gian qua trên toàn cầu ở mức thấp nên việc giao tàu mới trong năm nay là “gần như không đáng kể”, theo đánh giá của hãng chứng khoán Vietcombank Securities (VCBS).
Công suất của đội tàu chở dầu thô toàn cầu trong năm 2024 dự kiến sẽ chỉ tăng 0,4%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 2% của năm 2023. Tương tự, công suất đội tàu chở dầu thành phẩm ước tính chỉ tăng 1,4% trong năm 2024. Mặc dù số đơn đặt hàng tàu chở dầu thành phẩm đã tăng lên trong năm 2023 nhưng phải đến năm 2025 các tàu mới được bàn giao.
Cân bằng cung - cầu trên thị trường vận tải dầu vẫn ở mức “căng thẳng” khiến giá cước vận tải dầu thô bắt đầu tăng trở lại kể từ tháng 10/2023 khi các nhà máy lọc hoá dầu trên toàn cầu kết thúc đợt bảo trì mùa Thu. Các hạng tàu nhỏ ghi nhận mức tăng giá mạnh nhất.
Trong đó, giá cước tàu Suezmax kỳ hạn 5 tháng trên tuyến từ Vịnh Mexico của Mỹ đến châu Âu đã tăng 98% so với tháng 9/2023; giá cước tàu Aframax trên tuyến quanh Địa Trung Hải cũng tăng 74%. Ngược lại, giá cước tàu VLCC có mức tăng vừa phải.
Thiếu hụt nguồn cung tàu và các bất ổn địa chính trị gia tăng được kỳ vọng sẽ giúp giá cước vận tải dầu, hoá chất tiếp tục neo cao trong thời gian tới, giúp thúc đẩy kết quả kinh doanh của PV Trans. Trong năm 2023, giá cước cao đã giúp doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PV Trans lần lượt tăng 41% và tăng 218% kế hoạch năm.
PV Trans đẩy mạnh thâm nhập thị trường quốc tế
VCBS đánh giá việc PVTrans theo đuổi chiến lược trẻ hoá đội tàu và đẩy mạnh thâm nhập thị trường quốc tế sẽ giúp duy trì mức tăng trưởng tốt trong trung hạn khi thị trường nội địa dự kiến sẽ duy trì ổn định.
Thực tế chiến lược này đã thể hiện hiệu quả khi tỷ trọng doanh thu từ thị trường quốc tế của PV Trans tăng dần từ 40% (năm 2020) lên 54% (nửa đầu năm 2023) thì biên lãi gộp tăng mạnh từ 6,6% (năm 2020) lên 17,5% (nửa đầu năm 2023). Mục tiêu đến 2025, PV Trans sẽ nâng tỷ trọng doanh thu từ thị trường quốc tế lên mức ít nhất 70%.
Trong 50 tàu hiện tại phục vụ mảng vận tải của PV Trans đã có đến 41 tàu chạy tuyến quốc tế, tỷ trọng tải trọng tàu chạy quốc tế chiếm đến 70% tổng tải trọng có thể vận chuyển của doanh nghiệp này.
Đáng chú ý, các tàu chạy thị trường quốc tế đều theo hình thức cho thuê định hạn (time charter). Tàu chạy tuyến nội địa của PV Trans đều theo hình thức giá giao ngay (spot) vốn cực kỳ nhạy cảm với biến động của cung - cầu và chịu ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu đầu vào.
Hình thức cho thuê định hạn thường phản ánh xu hướng dài hạn hơn, ổn định hơn và có độ trễ so với giao ngay, nhưng trong dài hạn sẽ hội tụ, theo VCBS. Hiện các hợp đồng cho thuê định hạn của PV Trans có độ dài chủ yếu từ 6 - 12 tháng và bên thuê tàu sẽ phải chịu phí nhiên liệu.
Trong số 51 tàu hiện tại của PV Trans thì có 9 tàu mua theo hình thức thuê tàu trần. Hình thức thuê mua tàu trần là dạng thuê mua trả góp, giúp doanh nghiệp linh hoạt và giảm chi phí lãi vay khi lãi suất đang ở mức cao, PV Trans chỉ trả trước 10-20% giá trị tàu. Đặc biệt, PV Trans chủ yếu ký hợp đồng thuê tàu trần với đối tác Nhật nên dù lãi suất vay có tăng nhưng vẫn tốt hơn giai đoạn trước.
Hiện VCBS dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của PV Trans trong năm 2024 sẽ lần lượt đạt 10.530 tỷ đồng và 809 tỷ đồng.