Đẩy mạnh xuất khẩu, làm đơn hàng khó, Dệt may TNG báo lãi quý 2/2025 cao kỷ lục

Dệt may TNG (mã cổ phiếu TNG) cho biết lãi ròng quý 2/2025 đạt mức cao nhất lịch sử nhờ việc thúc đẩy hoạt động bán hàng, tối ưu hoá chi phí, cải thiện năng suất lao động, cùng với chính sách tài chính hợp lý.

Trong quý 2 vừa qua, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã cổ phiếu TNG - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 2.500 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm 2024. Đồng thời, doanh thu từ hoạt động tài chính của công ty cũng tăng trưởng 25%, đạt 30 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính và chi phí bán hàng trong kỳ đã được tiết giảm.

Kết quả, Dệt may TNG báo lãi sau thuế đạt 120 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lãi ròng theo quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.

Dệt may TNG
Dệt may TNG ghi nhận 120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 2/2025, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.

Ban lãnh đạo Dệt may TNG cho biết kết quả kinh doanh trong kỳ tăng trưởng tích cực   nhờ việc thúc đẩy hoạt động bán hàng, tối ưu hoá chi phí, cải thiện năng suất lao động, cùng với chính sách tài chính hợp lý.

Cụ thể, doanh thu từ các hoạt động kinh doanh chính của công ty trong kỳ đã tăng mạnh nhờ việc tập trung khai thác các dòng hàng khó, phức tạp cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu. Các đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường mới đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng này.

Dệt may TNG cũng đã thực hiện nhiều biện pháp cải tiến quy trình sản xuất và quản lý, giúp tối ưu hóa chi phí nguyên vật liệu và chi phí sản xuất, từ đó gia tăng hiệu quả kinh doanh như tăng sử dụng máy móc thiết bị tự động, vận chuyển hàng hóa  bằng hệ thống tự động như xe tự hành AGV, băng chuyền tự động, chuyền treo trong sản xuất, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời áp mái).  

Nhờ vào việc gia tăng tự động hoá, năng suất lao động của Dệt may TNG đã được cải thiện. Đồng thời, thời gian làm việc và đào tạo nhân lực cũng được công ty kiểm soát tốt, giúp giảm thiểu lãng phí và tăng hiệu quả sản xuất.

Đối với chính sách tài chính, ban lãnh đạo Dệt may TNG cho biết, công ty đã chủ động trong việc sử dụng vốn vay lưu động và hạn chế vay USD để cuối kỳ báo cáo không bị ảnh hưởng lớn từ chi phí tài chính (do đánh giá lại gốc vay).

Xem thêm: "Dệt may TNG: Tự tin hoàn thành kế hoạch kinh doanh, tuyển thêm 1.000 công nhân" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tính chung 6 tháng đầu năm, Dệt may TNG ghi nhận doanh thu đạt hơn 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 161 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm nay, công ty này đặt mục tiêu doanh thu 8.100 tỷ đồng và có lợi nhuận sau thuế 340 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,7% và tăng 8% so với mức thực hiện của năm 2024. Nếu hoàn thành kế hoạch này, Dệt may TNG sẽ thiết lập các kết quả kinh doanh cao nhất lịch sử. Hiện công ty đã hoàn thành gần 50% chỉ tiêu doanh thu và 47% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Tính đến cuối quý 2/2025, tổng tài sản của Dệt may TNG đạt hơn 6.800 tỷ đồng, tăng 17% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho tăng khoảng 50%, đạt hơn 1.557 tỷ đồng. Đồng thời, các khoản phải thu cũng tăng hơn 70%, đạt khoảng 1.265 tỷ đồng.

Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ vay tài chính ngắn hạn của công ty tăng mạnh 72% so với thời điểm đầu năm, đạt 2.763 tỷ đồng. Ngược lại, nợ vay tài chính dài hạn giảm 16%, còn 918 tỷ đồng.

Minh Huế