Thoát khỏi tầm nhìn của những dãy núi đá cùng những đảo to, đảo nhỏ, tàu bắt đầu rẽ sóng tăng tốc. Đứng trên mũi tàu nhìn ra khơi xa, chỉ thấy biển một màu xanh thẫm. Từng đoàn cá nhỏ vờn sóng đuổi theo tàu ánh lên một màu bạc trắng trong buổi sớm mai. Mải vui câu chuyện nên cảm giác như thời gian ngắn hơn và đảo Cô Tô đã hiện ra trước mắt chúng tôi.
Một bờ biển dài, với bãi cát đẹp, nhiều tàu thuyền ra vào vịnh tấp nập và xa xa, những ngôi nhà cao tầng thấp thoáng bên rặng phi lao vi vu gió thổi đã cho chúng tôi cảm nhận, nơi đây có nhiều tiềm năng về khai thác biển và du lịch dịch vụ. Tàu cặp bến, chiếc xe ô tô 14 chỗ ngồi đã cũ kỹ của UBND huyện đảo Cô Tô chờ sẵn đón chúng tôi về nhà khách Uỷ ban. Sau ít phút cất đồ đạc, anh em trong đoàn đã ra xe xuống xã. Anh Hải, cán bộ Phòng Tổng hợp Uỷ ban nhân dân Huyện cho biết, đời sống vật chất và tinh thần của dân đảo Cô Tô còn nhiều khó khăn lắm. Bà con nơi đây chỉ có hai nghề cơ bản là trồng lúa và chủ yếu là đánh bắt chế biến hải sản, tuy nhiên, lương thực ở đảo vẫn không đủ tự cung, tự cấp mà vẫn phải chờ “viện trợ” từ đất liền. Quan sát cuộc sống, sinh hoạt của người dân đảo, điều dễ nhận thấy, cơ sở hạ tầng trên địa bàn Huyện còn quá yếu kém. Hệ thống điện, đường, trường, trạm chưa được đầu tư. Ở các xã, thậm chí ngay cả trung tâm thị trấn huyện, lác đác mới có được vài hộ đăng ký sản xuất kinh doanh như chế biến nước mắm, sản xuất nước đá, chế biến sứa... Tuy nhiên, những hộ chế biến nước mắm thì lại nhỏ lẻ, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm và không được hỗ trợ khoa học kỹ thuật, vì vậy sản phẩm làm ra chất lượng thấp, hương vị không hấp dẫn, ít người mua. Đặc biệt, trên đảo cũng đã xuất hiện một vài cơ sở sản xuất nước đá cây để phục vụ ướp cá cho ngư dân, nhưng ngặt nỗi, điện máy phát chập chờn, đá làm ra non, nhanh tan và cũng không đủ cung cấp cho khách hàng. Anh Trần Ngọc Phong – khu Nam Hải, thị trấn Cô Tô cho biết, cơ sở chế biến nước đá của anh đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt một trạm diezel với 02 máy phát 15 kW và 35 kW để sản xuất 10 tấn đá cây/ngày cho các tàu thuyền chế biến hải sản đông lạnh, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu dùng đá ở đảo lên tới hàng trăm tấn/ngày. Thời gian qua, xưởng đã được hỗ trợ 30 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, nhưng để sản xuất lớn hơn, thì số tiền đó là quá ít ỏi. Dự kiến, năm 2010, gia đình anh sẽ nâng cấp, mở rộng xưởng và đương nhiên, rất cần sự hỗ trợ giúp đỡ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia.
Tìm hiểu thực tế mới thấy, khó khăn lớn nhất của huyện đảo Cô Tô hiện nay chính là thiếu điện. Chả thế mà khi chúng tôi cùng một số anh em Trung tâm Khuyến công Quảng Ninh trong đoàn công tác ra đảo được cán bộ xã Thanh Lân đèo xe máy xuống thôn 1, người dân trong thôn ào ra tíu tít chào đón nhưng luôn miệng hỏi, các chú ơi bao giờ đảo này có điện? Năm 2008, chính quyền Huyện cũng đã hỗ trợ ba thôn trong xã 03 máy phát điện 15 kW, mỗi ngày phát ba giờ cho bà con ở những khu vực đông dân cư, năm 2009, Huyện lại tiếp tục trang bị 15 máy cùng loại cho 15 cụm dân cư của xã và hỗ trợ mỗi kWh điện là 4.000đ, nhưng giá dầu đắt lên tới 12.000đ/lít, nên người dân đảo thường phải trả từ 7.000đ đến 15.000đ cho mỗi kWh. Được biết, toàn Huyện hiện có khoảng hơn 6.000 dân, nhưng chỉ có 2 trạm phát điện diezel, công suất khoảng 800 kVA, ngoài ra chưa kể máy phát của các hộ gia đình (khoảng 1/10 hộ dân có máy phát). Để phục vụ cho cơ quan và hơn 650 hộ khách hàng, các trạm diezel của Huyện chỉ được phép phát mỗi tuần khoảng 3 ngày rưỡi và mỗi ngày khoảng từ 13 - 14 tiếng đồng hồ. Đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng giá điện trên đảo cao ngất ngưởng, bình thường khoảng 3.500 đ/kWh, cao thì lên tới 4.500đ/kWh mà vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Trao đổi với chúng tôi, anh Trương Ngọc Hoài – Phó trưởng Ban Quản lý Trạm điện cho biết, năm 2010, huyện cũng đã đề nghị Tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng 02 trạm phát điện, để nâng công suất mỗi trạm lên 500 kVA. Hiện tại, Ban Quản lý cũng đã xây dựng xong quy trình quản lý, vận hành an toàn, triển khai công tác đào tạo và thực hiện các giải pháp kỹ thuật, phòng chống cháy nổ...
Ông Vũ Ngọc Thân – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Huyện cho biết, cách đây mấy năm, Viện Năng lượng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã cử đoàn cán bộ ra Cô Tô khảo sát, quy hoạch, dự định xây dựng các trạm phát điện bằng sức gió, nhưng không thấy triển khai. Năm 2010, Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam cũng đã dự kiến đầu tư khoảng 38-40 tỷ đồng để xây dựng một Nhà máy nhiệt điện công suất 5.000-6.000 kW. Với công suất như vậy, chắc chắn chưa thể đáp ứng được nhu cầu, nhưng dẫu sao, nó cũng là món quà làm vợi bớt đi niềm mong mỏi của người dân nơi đảo xa.
Chiều trên đảo xuống muộn, chúng tôi có dịp ra thắp hương đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính nơi này cách đây 48 năm, ngày 9-5-1961, Bác Hồ đã ra thăm Đảo. Nói chuyện với cán bộ, nhân dân đảo Cô Tô, Người nhấn mạnh: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ”. Gần nửa thế kỷ qua, đảo Cô Tô ngày ấy giờ đã thành huyện tiền đồn phía Bắc của Tổ quốc, nơi chỉ cách đất liền 3 giờ đồng hồ chạy tàu, chưa phải xa như Phú Quốc, rất gần với hải phận quốc tế, có nhiều tiềm năng về đánh bắt chế biến thuỷ hải sản, khai thác thế mạnh về du lịch, dịch vụ, nhưng xem ra Cô Tô vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Chính quyền huyện đã có nhiều cố gắng, gần dân, lo cho dân, nhưng lực bất tòng tâm, bởi bộ máy hành chính huyện hầu hết là “bộ đội” được cử từ đất liền ra, không vợ con, nhà cửa, họ chỉ có cái tâm và trách nhiệm. Tất cả chỉ trông chờ vào ngân sách của Tỉnh, của Trung ương mà thôi.
Chia tay Cô Tô, hy vọng một ngày nào đó trở lại, sẽ được tận mắt chứng kiến sự đổi thay diệu kỳ từ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, từ chính bàn tay, trí tuệ của người dân nơi xứ đảo, để biến mảnh đất giữa trùng khơi phía Bắc thành trung tâm khai thác tiềm năng thế mạnh của biển, thành điểm hấp dẫn về du lịch dịch vụ, để đảo xa nhưng không bao giờ thấy xa.