Ông Nhâm Xuân Trường, Phó Chánh văn phòng, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Yên Bái cho biết, các sản phẩm OCOP của Yên Bái chủ yếu là mặt hàng thực phẩm của những địa phương có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng mang tính đặc thù rất cao, đặc biệt các sản phẩm từ cây quế.
Cũng theo ông Trường, Yên Bái là địa phương có diện tích quế lớn nhất các tỉnh khu vực phía Bắc và có chất lượng quế luôn đứng nhất nhì trong cả nước với hàm lượng tinh dầu trên vỏ quế cao. Cây quế Yên Bái được đánh giá là độc đáo, dễ trồng, dễ sống, rất phù hợp với mảnh đất nơi đây. Hiện nay, tất cả địa phương trong tỉnh đều trồng cây quế, nhưng tập trung chủ yếu là huyện Văn Yên. Chất lượng quế của Yên Bái cũng được xem là đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Từ những năm trước, người Yên Bái đã biết chế biến những sản phẩm khác nhau từ cây quế bán ra thị trường. Ngoài tinh dầu, những vỏ quế bản địa, với sự khéo léo, tỉ mỉ, những người thợ thủ công của tỉnh Yên Bái đã chế tác thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, tiện ích cho cuộc sống, khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và cả quốc tế.
Toàn tỉnh Yên Bái có khoảng 80.000 ha quế, tập trung chủ yếu ở các huyện: Văn Yên (43.000ha), Trấn Yên (13.000ha), Văn Chấn (10.000ha), Lục Yên (3.000ha). Sản lượng vỏ quế khô khai thác bình quân hàng năm khoảng 20.000 tấn, cành lá quế khoảng 86.000 tấn…
Thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2019 -2020, trong số 83 sản phẩm OCOP được công nhận tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao (trên thang bậc 5 sao), các sản phẩm OCOP phát triển từ cây quế cũng đa dạng, hàm lượng tinh tăng đáng kể. Tại huyện Văn Yên, “thủ phủ” của cây quế Yên Bái, Công ty TNHH Trà thảo mộc Quế Phát có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao là nước rửa chén, lau sàn. Hay như tại huyện Trấn Yên, Hợp tác xã quế hồi Việt Nam đã có sản phẩm từ quế đạt danh hiệu 4 sao là quế điếu thuốc. Từ những nguyên liệu là thu hoạch bóc vỏ thân cây quế, cạo sạch lớp sần bên ngoài vỏ tươi, sau cắt mảng nhỏ rộng 4 cm, cắt khúc dài 10 đếu 12 cm, phơi khô đến khi quế cuộng lại như điếu thuốc. Những sản phẩm có hàm lượng tinh dầu từ 3% đến 5% đảm bảo vị cay, ngọt và mùi thơm đặc trưng. Quế điếu thuốc có thể dùng nấu các món ăn như kho thịt, cá, hoặc pha chế, khuấy cà phê, sinh tố….
So với nhiều cây trồng khác, cây Quế đã mang lại cho người dân một nguồn thu lớn và ổn định với người nông dân Yên Bái. Cây Quế không những có giá trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái, giữ đất, giữ nước ở những vùng đồi núi dốc, bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen quý của cây bản địa, đồng thời góp phần quan trọng giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu của tỉnh Yên Bái.
Cũng theo ông Trường, bên cạnh việc thu hút các cơ sở, doanh nghiệp tham gia chế biến tinh dầu, sơ chế vỏ quế, tỉnh Yên Bái đã và đang tập trung phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ từ cây quế. Với sự đánh giá xếp hạng sao cho sản phẩm OCOP từ cây quế Yên Bái, ngành nông nghiệp Yên Bái kỳ vọng sẽ là động lực để thu hút nguồn lực cho phát triển sản phẩm tinh từ cây thế mạnh này. Cùng với đó, Yên Bái sẽ triển khai quảng bá, giới thiệu về cây quế và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế, hương vị sản phẩm quế Yên Bái sẽ bay xa.