Trong khuôn khổ Dự án Hợp tác kỹ thuật song phương “Lưới điện Thông minh cho Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng” giữa Chính phủ Đức và Chính phủ Việt Nam, ngày 21/11/2019, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ đã tổ chức Hội thảo tham vấn tổng kết “Đánh giá và Đề xuất Khung pháp lý cho Ứng dụng lưới điện thông minh để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả cho Việt Nam”.
Tại hội thảo, nhóm chuyên gia tư vấn quốc tế đã trình bày kết quả nghiên cứu, đánh giá khung pháp lý hiện tại của Việt Nam, đưa ra các bài học kinh nghiệm quốc tế, đồng thời đề xuất khung pháp lý quan trọng cho ứng dụng Lưới điện Thông minh để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả tại Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu tập trung vào việc xác định và phân tích các khoảng trống quan trọng về khung pháp lý và những quy định chưa có trong quy định hiện hữu tại Việt Nam liên quan tới ứng dụng lưới điện thông minh tại Việt Nam cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, bao gồm: (i) Các quy định về tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo; (ii) Các quy định để triển khai các công nghệ năng lượng thông minh; (iii) Các tiêu chuẩn kỹ thuật cho công nghệ năng lượng thông minh, các quy định kỹ thuật và tiêu chuẩn liên kết lưới điện.
Trên cơ sở đánh giá các quy định còn chưa có trong Khung pháp lý hiện tại của Việt Nam đối chiếu với các bài học kinh nghiệm quốc tế, nhóm chuyên gia tư vấn quốc tế đã chỉ rõ Việt Nam có Chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo rõ ràng với mục tiêu và chiến lược cụ thể. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo rõ ràng thông qua cơ chế giá FIT hấp dẫn với Hợp đồng mua bán điện (PPAs) dài hạn và trợ cấp về các loại thuế liên quan tạo điều kiện tốt cho việc huy động vốn của các Dự án năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở phía người sử dụng điện lại chưa được quan tâm đúng mức. Các Hợp đồng mua bán điện (PPAs) hiện mới dừng lại ở việc ký với 1 bên mua duy nhất là EVN trong khi Cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPAs) cho phép các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo bán trực tiếp điện cho các khách hàng sử dụng điện lớn mới chỉ ở bước lên kế hoạch thực hiện thí điểm. Ngoài ra, việc phê duyệt tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo lớn tập trung chủ yếu vào một số vùng lãnh thổ nhất định và chưa đồng bộ với hiện trạng và tiến độ đầu tư lưới truyền tải điện; và cơ chế giá FIT hiện hữu chưa phản ánh theo tín hiệu giá thị trường điện.
Trên cơ sở đó, nhóm chuyên gia tư vấn quốc tế đưa ra một số khuyến nghị đối với khung pháp lý và quy định hiện hữu tại Việt Nam. Cụ thể là: các cơ chế khuyến khích các nhà máy điện năng lượng tái tạo tham gia cung cấp dịch vụ phụ trợ; các cơ chế kiểm soát quá tải lưới điện, hạn chế giảm phát của các nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với xu hướng tích hợp tỷ lệ cao năng lượng tái tạo; cũng như các cơ chế khuyến khích lắp đặt hệ thống lưu trữ năng lượng và cho phép sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ phụ trợ để tăng tính linh hoạt và độ tin cậy của hệ thống điện. Ngoài ra còn có các đề xuất khác là các cơ chế thực hiện Chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) và các cơ chế khuyến khích vận hành mô hình nhà máy điện ảo (VPP).
Sau phần trình bày là phần thảo luận mở giữa các đại biểu nhằm thu thập phản hồi đối với các đánh giá và đề xuất về khung pháp lý cho ứng dụng lưới điện thông minh để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả cho Việt Nam. Dựa trên ý kiến của các đại biểu, nhóm chuyên gia tư vấn sẽ đưa ra các khuyến nghị cuối cùng phù hợp nhất để áp dụng tại Việt Nam.