Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo cảng hàng không Điện Biên với tổng mức đầu tư hơn 4.350 tỷ đồng.
Tại công văn số 242 ngày 28/1/2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên nêu rõ, thực hiện thông báo ý kiến kết luận của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải cho thấy việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ theo quy hoạch được duyệt là rất cấp bách. Cảng hàng không Điện Biên được xây dựng từ thời kỳ Pháp thuộc, được sửa chữa gần đây nhất vào năm 2004, chỉ khai thác được máy bay ATR72 và tương đương trở xuống.
Do đó việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp sân bay sẽ nâng cao năng lực vận tải hàng không, mở thêm các tuyến bay mới, tạo điều kiện cho địa phương phát triển đồng bộ, nhanh chóng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương.
Trên cơ sở họp xem xét, đánh giá dự án đầu tư và xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên của Công ty Cồ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air), tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp với Vietjet nghiên cứu, hoàn thiện phương án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp như: đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình kết cấu hạ tầng, khu bay, đường giao thông kết nối, đường nội bộ, hàng rào cảng hàng không và xây dựng mới khu nhà ga hành khách với công suất 2 triệu hành khách/năm.
Tổng diện tích đất sử dụng của khu nhà ga hành khách và khu bay là khoảng 158 ha. Riêng nhà ga hành khách diện tích sàn khoảng 16.000 m2, công suất 2 triệu hành khách/năm, khoảng 800 hành khách/giờ cao điểm.
Theo đó tiến độ đề xuất trong vòng 24 tháng, dự kiến hoàn thành các thủ tục liên quan và ký kết các hợp đồng dự án trong quý 4 năm nay, nghiệm thu và đưa vào vận hành toàn bộ các công trình của dự án trong Quý 4 năm 2021. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 4.350 tỷ đồng, riêng tổng kinh phí dự kiến giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư đã được rà soát, lên phương án với kinh phí khoảng 1.200 tỷ đồng. Tỉnh cam kết sẽ chủ động sắp xếp, bố trí bằng nguồn vốn ngân sách địa phương để triển khai thực hiện đảm bảo theo yêu cầu tiến độ thực hiện của dự án.
Đối với các công trình thuộc khu bay như: Đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay, đường lăn, hàng rào… với tổng kinh phí xây dựng khoảng 1.390 tỷ đồng (theo số liệu báo cáo trong hồ sơ đề xuất dự án của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet) sẽ đề xuất trung ương bố trí 100% ngân sách để đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2019 – 2020. Các công trình thuộc khu hàng không dân dụng thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, loại hợp đồng BOT. Công trình quản lý điều hành bay xây dựng mới khoảng 51 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách do Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam thực hiện.