Để yêu thương gần với yêu thương

Khi những người thợ mỏ cùng “chụm những bàn tay” sẽ có thật nhiều những việc làm ý nghĩa và nhân văn được lan toả…

Đọng lại trong những chuyến đi trao quà cho gia đình nữ cán bộ công nhân viên lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong Tập đoàn với Trưởng ban Nữ công - Công đoàn TKV Đỗ Thị Nhung là ăm ắp những cảm xúc thật khó diễn tả hết bằng lời. Ghi lại những cuộc gặp gỡ, thăm hỏi, động viên mà chị nhớ nhất, chúng tôi gọi đó là những chuyến đi để mang yêu thương gần với yêu thương.

“Đến thăm gia đình chị Đỗ Thị Hải - công nhân vận hành giếng đứng Công ty CP Than Hà Lầm cứ khiến tôi nhớ mãi. Chị là vợ của anh Nguyễn Đình Sang - thợ lò Công trường CGH Khai thác 1, Công ty CP Than Hà Lầm. Dù kinh tế không quá dư dả nhưng cơ bản cuộc sống của anh chị tương đối ổn định với niềm hạnh phúc lớn nhất là có hai đứa con đủ cả trai cả gái. Vậy mà cuộc sống yên bình ấy đã bị đảo lộn khi anh chị phát hiện đứa con trai đầu lòng là Nguyễn Đình Phong bị ung thư võng mạc mắt trái. Gia đình đã đưa cháu nhập viện và điều trị trong gần 1 năm nhưng mắt của cháu không thể chữa lành được, phải phẫu thuật bỏ mắt, lắp mắt giả. Mặc dù đã phẫu thuật bỏ mắt bị ung thư nhưng bác sĩ chuẩn đoán có nguy cơ lây sang làm hỏng mắt còn lại nên cháu Phong phải thường xuyên vào viện xạ trị. Không những thế, bệnh viện còn yêu cầu đưa cháu thứ hai vào khám và theo dõi thường xuyên vì lo sẽ bị ung thư mắt giống anh. 

Khó khăn chồng chất khó khăn khi gia đình chị phải chạy vạy khắp nơi lo tiền chữa trị cho con trai, tiền khám phòng bệnh cho con gái… anh Sang vẫn phải cố gắng đi làm để trang trải tiền viện phí và thuốc thang cho hai cháu, còn chị Hải thì phải thường xuyên nghỉ việc để đưa hai con vào viện. Dẫu ở trong hoàn cảnh éo le, có những lúc tưởng chừng như khó có thể vượt qua nhưng người vợ thợ lò ấy vẫn luôn nỗ lực để cùng chồng mình chống chọi vượt lên số phận. Quả thật nhìn hai đứa trẻ ngây thơ, xinh xắn chạy nhảy vẫn rộn tiếng cười vui mà chưa hiểu nhưng âu lo vất vả đến cùng cực hàng ngày của bố mẹ khiến tôi và anh chị em trong đoàn đến thăm gia đình hôm ấy không khỏi xúc động, nhanh tay quệt đi những giọt nước mắt…

“Trong căn nhà ở phường Cẩm Trung, TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh, tôi dường như lặng người đi khi nghe về hoàn cảnh của chị Trần Thị Thanh Hiền, công nhân vận hành bơm, Phân xưởng Phục vụ và chồng chị là anh Phạm Duy Hải, thợ lò Phân xưởng Khai thác 5 cùng công tác ở Công ty Than Thống Nhất được hơn 20 năm nay. Anh Hải bị tai nạn lao động (năm 2005) dẫn đến phải cắt bỏ ¼ lá gan, sức khoẻ suy giảm 50% nên hiện tại cũng chỉ làm công việc trực gác bơm trong lò. Chị Hiền đang là công nhân có sức khoẻ tốt, chăm chỉ đi làm với ngày công luôn đạt từ 27 - 30 công/tháng, trong đợt khám sức khoẻ định kỳ năm 2013, chị phát hiện bị ung thư dạ dày giai đoạn 1. Tuy nhiên phác đồ điều trị của chị rất phức tạp và khó do cơ thể không tiếp nhận thuốc thường, chi phí điều trị lại rất cao trong khi gia đình khó khăn, sức khoẻ của chị trở nên suy giảm nhanh chóng. Nghĩ thương chồng, thương con, chị tự nhủ lòng phải chiến thắng bệnh tật, phải khoẻ mạnh để vẫn là chỗ dựa tinh thần cho chồng và các con. Bởi thế, chị không quản ngại, cố gắng tìm hiểu thật nhiều thông tin từ việc điều trị thuốc nam, với phương pháp điều trị này vừa phù hợp với cơ thể chị, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình do chi phí thấp. 

Sau khi điều trị một thời gian cùng với việc động viên của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và hơn hết là tinh thần vượt lên, tự tin vào bản thân đã giúp cho sức khoẻ chị được hồi phục. Chị tiếp tục kiên trì điều trị và thăm khám thường xuyên và sau đó được các bác sĩ báo tin vui là bệnh đã cầm chừng và không có dấu hiệu phát triển thêm. Thấy phương pháp này điều trị có hiệu quả, chị duy trì đến tận bây giờ, bệnh của chị sau 5 năm nhưng gần như không phát triển chuyển giai đoạn thêm mà được cầm cự như lúc ban đầu khi phát hiện, chị ăn ngon hơn, ngủ yên, lên cân lại, tinh thần cũng thoái mái và vẫn tiếp tục đi làm được, thậm chí chị còn là người luôn truyền cho mọi người tinh thần lạc quan với nụ cười thường trực trên môi. Thật sự khâm phục tinh thần của người phụ nữ mạnh mẽ, vượt lên trên số phận để có thể chiến thắng bản thân, chiến thắng số phận ấy…

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều những gia đình nữ cán bộ công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà lãnh đạo Tập đoàn, Ban Nữ công Công đoàn TKV đến thăm hỏi, động viên và chia sẻ với những nhọc nhằn, bất hạnh của họ. Trưởng Ban Nữ công - Công đoàn TKV Đỗ Thị Nhung bộc bạch rằng, điều quan trọng nhất qua mỗi lần đến thăm đó là chúng tôi mong muốn lan toả yêu thương, mang yêu thương gần với yêu thương của tình cảm đồng nghiệp, tình thợ mỏ để góp một phần bé nhỏ giúp họ có thêm niềm tin, động lực để vươn lên trong cuộc sống.

Không chỉ vậy, trên thực tế, cùng với Công đoàn Tập đoàn, Công đoàn các đơn vị cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến những đối tượng này thông qua những việc làm thiết thực. Chẳng hạn với gia đình chị Hải, anh Sang, Ban lãnh đạo và Công đoàn Công ty CP Than Hà Lầm đã thường xuyên thăm hỏi và hỗ trợ cho gia đình. Hai công trường nơi anh chị công tác, anh chị em đã phát động quyên góp ủng hộ số tiền trên 14 triệu đồng cho hai cháu chữa bệnh. Mới đây nhất vào Tháng công nhân 2018, Công ty CP Than Hà Lầm đã tặng một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 100 triệu đồng cho con trai anh chị - cháu Nguyễn Đình Phong. Hay với gia đình chị Hiền, anh Hải được lãnh đạo Công ty, Công đoàn Công ty Than Thống Nhất rất quan tâm, đến thăm hỏi, động viên vào dịp Tháng Công nhân, Tháng Công đoàn, ngày 8/3, 20/10, dịp Tết Nguyên đán… Ở Phân xưởng cũng tạo những điều kiện thuận lợi về điều kiện làm việc, các chế độ để anh chị bớt khó khăn, vất vả hơn.

Đúng là khi những người thợ mỏ cùng “chụm những bàn tay” sẽ có thật nhiều những việc làm ý nghĩa và nhân văn được lan toả…

NQ