Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã cổ phiếu TCM - sàn HoSE) vừa cho biết doanh thu của công ty mẹ trong tháng 6/2024 đạt 10,3 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế tăng tới 624%, đạt 1,1 triệu USD.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu công ty mẹ của Dệt may Thành Công đạt 74,4 triệu USD và lợi nhuận sau thuế đạt 5,8 triệu USD, lần lượt tăng 12% và 29% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó, hoàn thành 47% kế hoạch doanh thu và 85% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.
Xét về cơ cấu, doanh thu từ nhóm sản phẩm may chiếm tới 74% tổng doanh thu 6 tháng đầu năm của Dệt may Thành Công. Theo sau là sản phẩm vải chiếm 14% và sợi chiếm 8%, còn lại một số sản phẩm khác chiếm 4% tổng doanh thu.
Về thị trường xuất khẩu, trong nửa đầu năm nay, đơn hàng xuất khẩu của Dệt may Thành Công chủ yếu đến từ thị trường châu Á, chiếm 70,2% tổng doanh thu. Trong đó, thị trường Hàn Quốc chiếm 28,4%, Nhật Bản chiếm 21,4%, và Trung Quốc chiếm 8,4% tổng doanh thu.
Tiếp đến là thị trường châu Mỹ chiếm 25,2% và thị trường châu Âu chiếm 4,2% tổng doanh thu.
Hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm của Dệt may Thành Công ghi nhận kết quả tích cực trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu dệt may của nước ta có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Theo dữ liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong nửa đầu năm đạt 19,9 tỷ USD, tăng 4% so với nửa đầu năm 2023.
Theo thông tin từ các doanh nghiệp ngành dệt may tại Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, đơn hàng xuất khẩu đã có đủ đến hết quý 3/2024. Tuy nhiên, đơn hàng quý 4/2024 vẫn chưa chắc chắn do khách hàng còn thận trọng trước diễn biến của thị trường.
Riêng Dệt may Thành Công, hiện công ty đã và đang nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 3/2024 và khoảng 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 4/2024.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 12/7 vừa qua, Dệt may Thành Công đã ra mắt và đưa vào vận hành dự án ERP (Enterprise Resource Planning). Qua đó, từng bước ứng dụng số hóa và chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh.
Chia sẻ về việc triển khai dự án ERP, ông Trần Như Tùng – Phó Tổng Giám đốc Dệt may Thành Công cho biết, các doanh nghiệp ngành may hiện nay cạnh tranh với nhau rất khốc liệt. Vì thế, yêu cầu đặt ra với các doanh nghiệp là cần nhanh chóng thích nghi, thay đổi mình qua chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Việc đưa vào vận hành hệ thống ERP sẽ giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh và quản lý. Từ đó, mang lại lợi ích tối đa cho cổ đông và nhà đầu tư.