Kỳ vọng xử lý dứt điểm vụ kiện với Amazon vào cuối năm
Ngày 28/4, Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh - Gilimex (mã chứng khoán: GIL - sàn: HoSE) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 và thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu là 1.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 103,5 tỷ đồng, giảm 77,4% so với lợi nhuận đạt được trong năm 2022.
Về cổ tức năm 2022, Đại hội đồng thông qua việc trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%, so với kế hoạch đầu năm đặt ra là từ 15% - 30%. Dự kiến cổ tức năm 2023 sẽ ở mức từ 5% - 10%.
Một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm nhất tại Đại hội là vụ kiện giữa Xuất nhập khẩu Bình Thạnh với Amazon Robotics LLC (“Amazon”). Ông Nguyễn Việt Cường – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho biết Chủ tịch Hội đồng Quản trị là ông Lê Hùng đang trực tiếp thực hiện vụ kiện.
Theo ông Nguyễn Việt Cường, quá trình khởi kiện diễn ra theo quy trình với bước đầu tiên là nộp đơn lên toà án, toà án sẽ xem xét để quyết định có tiến hành thụ lý hồ sơ để xử hay không; sau khi chấp nhận thụ lý hồ sơ, toà án yêu cầu các bên cung cấp bằng chứng. Xuất nhập khẩu Bình Thạnh và Amazon đều đã nộp bằng chứng. Sau đó, toà án và luật sư hai bên sẽ xem xét các bằng chứng và tiến hành các bước tiếp theo, quá trình điều tra sẽ diễn ra trong thời gian dài.
“Công ty đã qua bước thụ lý, đây là bước quan trọng. Mục tiêu là giải quyết dứt điểm vụ việc trong năm 2023”, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Xuất nhập khẩu Bình Thạnh nhấn mạnh. Bên cạnh đó, công ty đang tìm kiếm, phát triển các đối tác mới bù đắp cho sự sụt giảm từ Amazon.
Trước đó, vào cuối năm ngoái, Xuất nhập khẩu Bình Thạnh đã tiến hành khởi kiện Amazon để đòi bồi thường 280 triệu USD với cáo buộc phía Amazon đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng khiến Xuất nhập khẩu Bình Thạnh phải gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.
Về việc xử lý tồn kho do việc Amazon thu hẹp đơn hàng, ông Nguyễn Việt Cường cho biết, lượng hàng tồn kho liên quan đến Amazon có trị giá khoảng 800 tỷ đồng, chủ yếu là thành phẩm, đặc biệt nhiều loại hàng chỉ được dùng cho Amazon. Xuất nhập khẩu Bình Thạnh hiện đặt mục tiêu xử lý dứt điểm lượng tồn kho này trước ngày 31/12/2023.
"Hiện tại, công ty chưa trích lập dự phòng lượng tồn kho liên quan đến Amazon vì chưa có cơ sở, việc trích lập chỉ được thực hiện khi có kết luận của toà án", ông Nguyễn Việt Cường thông tin thêm.
Kéo dài thời gian bán dự án Khu công nghiệp Gilimex Phú Bài 4
Về mảng phát triển bất động sản khu công nghiệp, Ban lãnh đạo Xuất nhập khẩu Bình Thạnh cho biết điểm rơi lợi nhuận từ lĩnh vực này sẽ nằm trong năm 2025. Hiện tại, công ty đặt mục tiêu bảo toàn vốn.
Theo kế hoạch ban đầu, Xuất nhập khẩu Bình Thạnh có thể ghi nhận doanh thu từ lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp kể từ quý 4/2022 nhưng do các hoạt động kinh tế giảm tốc nên nhiều nhà đầu tư đã hoãn lại quyết định đầu tư, chờ đợi lãi suất tại Việt Nam giảm xuống dưới 10% và lãi suất tại thị trường nước ngoài xuống dưới 2%.
Tuy nhiên, hiện mỗi ngày công ty đã nhận được từ 10 – 15 cuộc gọi hỏi về các dự án; dự kiến quý 3 và quý 4 năm nay mới có khách hàng ký hợp đồng, ban lãnh đạo Xuất nhập khẩu Bình Thạnh chia sẻ.
Trong năm nay, Xuất nhập khẩu Bình Thạnh sẽ phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex Phú Bài 4 tại Huế với diện tích khoảng 460 ha, Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long (tên cũ là KCN Bình Tân) với diện tích 400 ha. Công ty sẽ phát triển các dịch vụ như nhà xưởng cho thuê, kho cho thuê, dịch vụ logistics để phục vụ cho các khu công nghiệp.
Đối với dự án Khu công nghiệp Gilimex Phú Bài 4, tính tới cuối năm 2022, dự án đã đền bù và tiến độ bàn giao mặt bằng đạt 88,5%. Dự án đặt mục tiêu hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng và hoàn thành xây dựng hạ tầng trong quý 2/2023; đưa phân khu A với diện tích khoảng 60 ha đi vào vận hành trong quý 4/2023. Đồng thời, trong quý 4/2023 sẽ hoàn thành 100% công tác thi công xây dựng và đưa vào vận hành đối với Phân kỳ 1 của Khu B.
Khu công nghiệp Gilimex Phú Bài 4 chủ yếu dành cho các nhóm ngành công nghệ cao thuê, tập trung xây dựng nhà máy tự động hoá và không thuộc ngành thâm hụt lao động.
Ban lãnh đạo Xuất nhập khẩu Bình Thạnh cho biết đặt mục tiêu bán hết toàn bộ khu A với giá bán từ 60 – 70 USD/m2 trong quý 4/2023, dự kiến điểm rơi lợi nhuận của dự án Gilimex Phú Bài 4 là từ 1-3 năm.
Chia sẻ với cổ đông, ban lãnh đạo Xuất nhập khẩu Bình Thạnh nhận định quỹ đất khu công nghiệp khu vực miền Trung hiện đã gần hết và sức hút từ các dự án của công ty hiện rất lớn khi chỉ có duy nhất Xuất nhập khẩu Bình Thạnh có dự án sẵn sàng mở bán tại khu vực này.
Theo đánh giá của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Chứng khoán VCBS), tổng doanh thu của Khu công nghiệp Gilimex Phú Bài 4 sẽ rơi vào 4.200 – 5.900 tỷ đồng với biên lợi nhuận dao động từ 20 - 30%. Trong đó Xuất nhập khẩu Bình Thạnh sẽ được hưởng 68% lợi nhuận tương ứng việc nắm giữ 68% cổ phần tại Công ty Cổ phần KCN Gilimex (đã tính cả sở hữu chéo).