Bao trùm thị trường hàng hoá là tâm lý lo ngại nếu dịch virus Corona hay dịch viêm phổi cấp Vũ Hán lan rộng sẽ làm suy giảm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu, kéo theo đó là suy giảm nhu cầu sử dụng các loại hàng hoá từ các mặt hàng năng lượng đến kim loại công nghiệp.
Chỉ số giá hàng hoá S&P GSCI Index – đo lường giá của 24 loại hàng hoá – nguyên liệu phổ biến thuộc 5 nhóm (năng lượng, kim loại công nghiệp, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chăn nuôi và kim loại quý) đã giảm tới 11% trong tháng 1/2020, đánh dấu tháng giảm điểm đầu tiền trong 4 tháng trở lại đây.
Chỉ số giá hàng hoá Bloomberg Commodity Index – đo lường giá của 23 loại hàng hoá – nguyên liệu thông dụng cũng đã giảm 7% trong tháng 1/2020. Chỉ số S&P GSCI Index và chỉ số Bloomberg Commodity Index là hai bộ chỉ số thông dụng nhất đo lường biến động giá hàng hoá – nguyên liệu toàn cầu và là một tham số đánh giá sức khoẻ nền kinh tế thế giới.
Chuyên gia phân tích Daniel Flynn thuộc hãng đầu tư The Price Futures Group nhận định sự sụt giảm giá hàng hoá hiện thời tương tự với thời điểm dịch SARS lan rộng hồi năm 2003 và giá các loại hàng hoá mất tới 1 năm để phục hồi lại mốc trước thời điểm dịch bệnh bùng phát.
Trong các nhóm hàng hoá, giá các loại nhiên liệu năng lượng ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất. Trong tháng 1/2020, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đã giảm gần 16%; trong khi đó, giá dầu thô Brent giảm 12%. Giá dầu sưởi cũng giảm gần 20%.
Ông Marshall Gittler, trưởng ban phân tích đầu tư của tập đoàn BDSwiss Group, nhận định nhu cầu sử dụng năng lượng đang có xu hướng giảm xuống trong bối cảnh các doanh nghiệp Trung Quốc kéo dài thời gian ngưng hoạt động sản xuất.
Đồng thời, nhiều hãng hàng không huỷ bỏ các chuyến bay đến Trung Quốc. Nếu như dịch bệnh lan rộng, việc đình trệ sản xuất, sụt giảm nhu cầu đi lại sẽ trở nên tiêu cực hơn và nhu cầu mua sắm cũng có thể sụt giảm, ông Marshall Gittler cho biết.
Trong năm 2019, lượng dầu thô được Trung Quốc nhập khẩu đạt 506 triệu tấn (tương đương 10,12 triệu thùng/ngày) - mức cao kỷ lục trong 17 năm trở lại đây.
Bên cạnh nhóm hàng hoá năng lượng, giá các kim loại công nghiệp cũng giảm sâu trong tháng 1/2020 trước tác động của dịch virus Corona. Giá kim loại đồng đã giảm 10%; đồng thời, giá quặng sắt giảm 11%.
Giới đầu tư và các nhà giao dịch lo ngại việc các doanh nghiệp tại Trung Quốc kéo dài việc ngưng sản xuất để đối phó dịch virus Corona sẽ khiến nhu cầu các nguyên liệu đầu vào sản xuất như kim loại công nghiệp giảm xuống. Trung Quốc hiện là quốc gia sử dụng đồng và quặng sắt lớn nhất thế giới.
Theo dữ liệu mới công bố của Chính phủ Trung Quốc, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của nước này trong tháng 1/2020 chỉ đạt 50 điểm, giảm so với mức 50,2 điểm của tháng 12/2019. Chỉ số PMI đạt trên 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất đã được mở rộng và ngược lại.
Tuy nhiên, chỉ số PMI tháng 1/2020 chưa phản ánh đầy đủ tác động của dịch virus Corona đến khối sản xuất của Trung Quốc do khảo sát đo chỉ số PMI được thực hiện trước ngày 20/1/2020 – thời điểm Trung Quốc chính thức xác nhận virus Corona có thể lây từ người sang người và thực hiện phong toả nhiều thành phố, bao gồm Vũ Hán – một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của nước này.
Các chuyên gia dự báo chỉ số PMI tháng 2/2020 của Trung Quốc sẽ giảm mạnh về mức 40 – 45 điểm.
Giá các loại nông sản chủ chốt như ngô, đậu tương và lúa mì cũng đã giảm trong tháng 1/2020. Cụ thể, giá ngô giảm 1,7%; giá đậu tương giảm 8,7% và giá lúa mì giảm 0,9%. Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá hiện tượng giá nông sản giảm trong thời gian vừa qua chỉ mang tính ngắn hạn và nhu cầu về các loại nông sản trên toàn cầu trong dài hạn sẽ không chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch virus Corona trừ khi dịch bệnh bùng phát thành đại dịch với độc lực giết chết vài trăm triệu người.
Ông Sal Gilbertie, trưởng ban đầu tư hãng Teucrium Trading, nhận định những người thu mua nông sản chỉ đang chờ đợi giá các mặt hàng xuống mức thấp nhất có thể khi cơn hoảng loạn về dịch virus Corona lên đến đỉnh điểm.
Trái ngược lại với đa phần các loại hàng hoá, giá vàng đã tăng 3,8% trong tháng 1/2020 khi nhiều nhà đầu tư nhìn nhận vàng là kênh đầu tư hấp dẫn hoặc là kênh trú ấn tài sản với lo ngại dịch virus Corona sẽ khiến kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Theo đánh giá của một số chuyên gia tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2020 có thể chỉ đạt 5%, thậm chí ở mức thấp hơn do dịch virus Corona. Trong ngày 29/1, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) Jerome Powell nhận định sự bùng phát dịch virus Corona là mối đe doạ mới và phức tạp đến nền kinh tế toàn cầu giữa lúc triển vọng kinh tế toàn cầu mới khởi sắc.
Ông Jerome Powell cảnh báo khả năng nền kinh tế Trung Quốc cũng như Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng chậm lại trong ngắn hạn.
Trong tháng 1/2020, giá cà phê đã giảm 21% nhưng nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung từ Brazil – quốc gia cung ứng cà phê lớn nhất thế giới, được dự báo tăng.
Trong bối cảnh chưa có đầy đủ thông tin để đánh giá tổng thể tác động của dịch virus Corona đến thị trường, đồng thời dịch virus Corona có tốc độ lây lan nhanh hơn dịch SARS thì đà giảm của giá các loại hàng hoá trên thị trường tương lai có thể được kìm hãm do nhu cầu trong tương lai vẫn được giữ ổn định; tuy nhiên, giá các loại hàng hoá trên thị trường giao ngay sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm do nhu cầu sụt giảm.