Kỳ vọng FID của Lô B - Ô Môn sẽ có ngay trong đầu quý 2 này
Vừa qua, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HNX) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 với mức lãi ròng tăng thêm tới 160 tỷ đồng so với số liệu tự lập, lên mức 1.060 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do điều chỉnh giảm giá vốn hàng bán và chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong năm.
Qua đó, doanh nghiệp dầu khí này ghi nhận mức tăng trưởng lãi ròng lên đến 12% so với năm 2022 và đạt mức cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây. Đây cũng là lần đầu tiên, lợi nhuận của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí quay trở lại mốc 1.000 tỷ đồng kể từ giai đoạn hoàng kim của ngành dầu khí những năm 2014 - 2015.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đạt hơn 26.400 tỷ đồng, tăng khoảng 500 tỷ so với đầu năm. Đáng chú ý, tiền mặt và tiền gửi ngân hàn của doanh nghiệp này lên đến hơn 10.000 tỷ đồng, tương đương gần 40% tổng tài sản, giúp đem về hàng trăm tỷ đồng lãi tiền gửi mỗi năm.
Hiện nhiều tổ chức tài chính đánh giá, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới với động lực tăng trưởng chính đến từ “siêu” dự án điện khí Lô B - Ô Môn với quy mô 12 tỷ USD.
Cuối tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã ký kết với đối tác các thỏa thuận thương mại, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình triển khai chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn.
Hiện Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã trúng các gói thầu EPCI#1, 2, 3 của Lô B với tổng giá trị gói thầu là 1,2 tỷ USD. Doanh nghiệp này cũng đang tham gia 02 gói thầu khác của Lô B - Ô Môn, gồm Gói thầu đường ống biển trị giá 400 triệu USD và Gói thầu cho thuê kho nổi chứa dầu khí (FSO). Nhiều tổ chức tài chính hiện kỳ vọng với lợi thế về kinh nghiệm và kỹ thuật, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ tiếp tục trúng 2 gói thầu này trong năm 2024.
Hiện vướng mắc lớn nhất của Lô B - Ô Môn là việc đạt được Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) trước khi các bên liên quan có thể tiếp tục triển khai các đầu mục công việc. Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã hoàn thiện 15% tiến độ các gói thầu được trao trước đó và chỉ có thể triển khai thêm các hạng mục sau khi có FID.
Hiện ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí kỳ vọng FID sẽ có vào đầu quý 2/2024. Việc sớm có FID sẽ tạo “cú huých”, giúp doanh nghiệp này tăng tốc thi công và sớm ghi nhận kết quả kinh doanh ngay trong năm nay.
Đang tham giá đầu thầu dự án Lạc Đà Vàng
Loạt dự án dầu khí quy mô lớn khác như Lạc Đà Vàng (đã nhận FID); Nam Du U Minh (ký kết thỏa thuận khung mua bán khí) và Sư Tử Trắng 2B (đàm phán Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí mới) cũng sẽ tạo ra khối lượng công việc lớn cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong giai đoạn 2024 - 2028.
Hiện Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang tham giá đầu thầu cho dự án Lạc Đà Vàng và được kỳ vọng sẽ đầu tư một kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô (FSO/FPSO) trị giá khoảng 300 triệu USD dành riêng cho cả vòng đời dự án (10 năm) dưới hình thức liên kết góp vốn với đối tác.
Ngoài ra, công ty cũng đang theo dõi sát sao cơ hội đấu thầu FSO/FPSO cho dự án Lô B - Ô Môn, ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cho biết.
Bên cạnh đó, triển vọng kinh doanh của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí còn đến từ mảng điện gió ngoài khơi.
Tính đến hiện tại, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang thực hiện 4 dự án liên quan đến điện gió ngoài khơi quy mô lớn, tập trung chủ yếu tại Đài Loan (Trung Quốc). Ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cho biết, công ty đã ký mới các hợp đồng và được trao thầu khoảng 1,5 tỷ USD cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Đài Loan và châu Âu, đảm bảo việc làm đến năm 2027.
Bên cạnh đó, công ty đang tham gia đấu thầu một số hợp đồng xây lắp điện gió ngoài khơi và kỳ vọng sẽ giành được 1-2 hợp đồng trong thời gian tới với tổng giá trị ước tính từ 700 triệu USD - 1,1 tỷ USD (tương đương 350-500 triệu USD/dự án). Đồng thời, công ty có thể lựa chọn các dự án tối ưu khi khối lượng công việc đang khá nhiều, ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cho biết.