Vào lúc 8h58 sáng nay (ngày 29/4, theo giờ Việt Nam), giá ngô giao tương lai theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã tăng 0,1% lên 3,12-1/4 USD/giạ (25,4 kg); đánh dấu phiên đầu tiên trong 4 phiên giao dịch gần đây, giá ngô tăng lên. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua (28/4), giá ngô đã giảm 0,4%.
Giá ngô tăng chủ yếu do thị trường kỳ vọng nhu cầu sử dụng ngô cho sản xuất thức ăn chăn nuôi giá súc tại khu vực Bắc Mỹ sẽ tăng lên. Trong ngày 28/4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã yêu cầu các nhà máy chế biến thịt tại nước này phải duy trì hoạt động bất chấp các rủi ro liên quan đến sự lây lan của đại dịch Covid-19 nhằm ngăn chặn sự đổ vỡ chuỗi cung ứng thực phẩm tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, giá ngô vẫn đang ở mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua và chịu áp lực giảm do nhu cầu sử dụng nhiên liệu sinh học ethanol hiện ở mức thấp trong bối cảnh người dân tại Hoa Kỳ buộc phải ở nhà khi các biện pháp cách ly xã hội được áp dụng; khoảng 1/3 sản lượng ngô tại Hoa Kỳ được sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol.
Bên cạnh đó, các biện pháp cách ly xã hội cũng khiến lượng tiêu thụ thịt của các nhà hàng tại Hoa Kỳ sụt giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến mức tiêu thụ thực phẩm chăn nuôi gia súc vốn được làm từ ngô, đậu tương và lúa mì.
Giá đậu tương theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên sàn CBOT đã tăng 0,2% lên 8,33-1/2 USD/giạ (27,2 kg). Trong khi đó, giá lúa mì theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên sàn CBOT đã giảm 0,3% xuống 5,23-1/2 USD/giạ (27,2 kg). Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá đậu tương đã giảm 0,5% nhưng giá lúa mì lại tăng 0,2%. Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, giá lúa mì đã có lúc giảm mạnh về còn 5,20 USD/giạ - mức thấp nhất kể từ ngày 19/3/2020.
Trong ngày 27/4, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết, tính đến ngày 26/4, đã có 27% diện tích canh tác ngô tại nước này được xuống giống, cao hơn mức dự báo của giới chuyên gia cũng như mức 20% trung bình 5 năm gần đây.