Theo ước tính mới nhất của VNDIRECT Research, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - PV Power (mã chứng khoán: POW - sàn: HoSE), trong năm nay, có thể ghi nhận tổng doanh thu đạt hơn 32.100 tỷ đồng và lợi nhuận ròng đạt trên 2.200 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và tăng 7% so với mức thực hiện năm 2022. Hiện Tổng Công ty đang sở hữu và vận hành 7 nhà máy điện với tổng công suất hơn 4.200 MW, bao gồm: 02 nhà máy thuỷ điện và 5 nhà máy nhiệt điện (cả than và khí).
Kết quả kinh doanh của Điện lực Dầu khí Việt Nam dự kiến được nâng cao nhờ sản lượng từ nhóm nhiệt điện có thể tăng đáng kể trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Tổng Công ty dự kiến sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường trị giá 300 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần EVN Việt-Lào trong năm nay.
Về triển vọng hoạt động kinh doanh, sản lượng nhóm nhiệt điện khí của Điện lực Dầu khí Việt Nam trong năm nay được dự báo sẽ tăng 15% so với năm 2022 trong bối cảnh các nhà máy thuỷ điện sụt giảm sản lượng do thuỷ văn không thuận lợi, tạo dư địa lớn cho các nhà máy nhiệt điện được huy động ở mức cao hơn, cùng với đó là xu hướng tăng cường truyền tải điện từ Nam ra Bắc.
Dự kiến giá bán điện của các nhà máy điện khí thuộc Tổng Công ty trong năm nay sẽ đạt trung bình 2.032 đ/kWh, giảm nhẹ 2% so với năm 2022 do xu hướng giảm của giá dầu FO. Tuy nhiên VNDIRECT Research nhận định đây là mức giảm thấp trong bối cảnh chi phí khai thác các mỏ nội địa đang ngày càng đắt đỏ hơn. Theo đó, doanh thu và biên lợi nhuận gộp nhóm điện khí của Điện lực Dầu khí Việt Nam trong năm nay dự kiến lần lượt tăng 13% và 23% so với năm 2022.
Đối với nhóm nhiệt điện than, việc tổ máy S1 của Nhà máy Nhiệt điện than Vũng Áng 1 với công suất 600 MW quay trở lại hoạt động từ quý 3/2023 được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng chính của mảng điện than. Đồng thời, việc mực nước các hồ thuỷ điện tại miền Bắc và miền Trung đều ở mức rất thấp sẽ tạo dư địa cho hoạt động kinh doanh của nhà máy này.
Tính chung 5 tháng đầu năm nay, sản lượng điện của Vũng Áng 1 đã tăng tới 24% so với cùng kỳ năm ngoái và được dự báo xu hướng này sẽ được duy trì trong phần còn lại của giai đoạn El Nino cho đến ít nhất nửa sau năm 2024. Dự phóng sản lượng của Vũng Áng 1 cả năm nay sẽ tăng 27% so với năm 2022.
Trong bối cảnh các nhà máy điện than sẽ phải sử dụng hoàn toàn than trộn, giá bán điện bình quân của Vũng Áng 1 trong năm nay có thể neo ở mức cao, đạt 2.162đ/kWh, tăng 1% so với năm 2022. Tuy nhiên, giá bán điện có thể giảm 9% trong năm 2024 nhờ xu hướng giảm của giá than nhập khẩu. VNDIRECT Research dự báo doanh thu và lợi nhuận gộp của Vũng Áng 1 trong năm nay sẽ lần lượt tăng 30% và 42% so với năm 2022.
Đối với nhóm thuỷ điện, dự kiến sản lượng điện của 2 nhà máy thuỷ điện của Điện lực Dầu khí Việt Nam là Hủa Na và Đakđrinh trong năm nay sẽ giảm 25% so với năm 2022 do tình hình thuỷ văn kém tích cực. Hiện pha El Nino được kỳ vọng sẽ chỉ kéo dài trong tầm 8 – 12 tháng, do đó hoạt động của các nhà máy điện này có thể phục hồi dần trong năm 2024.
Dự kiến giá bán điện của nhóm thuỷ điện trong năm 2023 sẽ dao động từ 1.063 – 1.068 đ/kWh. Doanh thu và lợi nhuận gộp của nhóm thuỷ điện thuộc Điện lực Dầu khí Việt Nam trong năm nay lần lượt giảm 33% và 50% so với năm 2022.
Theo dõi diễn biến mực nước các hồ thuỷ điện trên cả nước, cập nhật định kỳ tại đây.
Ngoài ra, trong năm nay, Điện lực Dầu khí Việt Nam sẽ được nhận khoản bảo hiểm bồi thường sự cố tại tổ máy S1 Nhà máy Nhiệt điện than Vũng Áng 1. Hiện Tổng Công ty đã được nhận 149 tỷ đồng và ghi nhận vào kết quả kinh doanh quý 1/2023. Tuy nhiên, tổng giá trị bồi thường có thể sẽ cao hơn nhiều so với con số hiện tại, theo VNDIRECT Research.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 16/6, giá cổ phiếu POW của Điện lực Dầu khí Việt Nam đạt 13.500 đồng/cổ phiếu.